Sau gần một năm rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong mấy chục năm qua, Ai Cập, đất nước của các Pharaon ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh và xã hội.
Dù đang bước vào cuộc bầu cử hạ viện đầu tiên sau khi Tổng thống Mubarak ra đi, và sắp tới là bầu cử thượng viện, bầu cử tổng thống, nhưng dư luận tại Ai Cập lẫn thế giới đang hoang mang trước tương lai về một sự thay đổi thật sự ở xứ sở Kim tự tháp.
Trước những diễn biến trong nước, ngày 26-11, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed El-Baradei, một trong những nhân vật chủ chốt trên chính trường Ai Cập, tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tham vọng trở thành tổng thống lãnh đạo chính phủ cứu quốc. Điều này chỉ có thể đạt được với điều kiện chính phủ có mọi đặc quyền để điều hành trong giai đoạn chuyển tiếp, tái lập an ninh, khôi phục kinh tế và thực hiện những mục tiêu của cuộc cách mạng Ai Cập.
Theo những tiết lộ mới đây của báo chí các nước Ảrập, Mỹ, đồng minh thân cận của Ai Cập, đã dàn xếp mọi việc trên chính trường nước này. Dưới bàn tay của Mỹ, các nhà quan sát cho rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội, lực lượng chính trị - tôn giáo Anh em Hồi giáo sẽ giành thắng lợi để nắm quyền lập pháp thông qua đảng Tự do và Công lý, trong khi quyền tổng thống sẽ nằm trong tay chính quyền quân sự và người đứng đầu là tướng Hussein Tantawi. Do đó, có thể hiểu vì sao ông Mohamed El-Baradei, một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống, sẵn sàng từ bỏ tham vọng chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống dự định tổ chức vào tháng 6-2012.
Nếu mọi việc diễn ra đúng như sắp đặt của Mỹ và giới quân sự Ai Cập thì một sự thay đổi ở Ai Cập khó diễn biến theo nguyện vọng của nhân dân. Ngay từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng giêng năm nay, người ta đã thấy sự can thiệp của Mỹ khi gây áp lực buộc ông Mubarak từ chức và trao quyền lực cho quân đội, chủ thể nhận được viện trợ của Mỹ nhiều nhất.
Và để bảo vệ lợi ích của Mỹ, chính quyền quân sự không thể thay đổi gì hơn như mong muốn của nhân dân Ai Cập. Giới chức diều hâu của Mỹ còn lên tiếng kêu gọi chính phủ không nên để quyền lực rơi khỏi tay quân đội Ai Cập vì theo họ hiện nay chỉ có quân đội mới đủ khả năng điều hành và bảo đảm an ninh đất nước. Một yếu tố cũng cực kỳ quan trọng là quân đội Ai Cập không những không chống Mỹ mà còn đang bảo vệ lợi ích cho Mỹ.
Nhưng nếu Chính phủ Mỹ ủng hộ giới quân sự, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Ai Cập thì hình ảnh của Mỹ trong mắt Ai Cập và các nước Ảrập cũng như thế giới Hồi giáo vốn đã không còn đẹp nay càng thêm xói mòn. Dường như người đồng minh lớn của Ai Cập cũng đang tiến thoái lưỡng nan.
Giải pháp tình thế hiện nay là giữ quyền lực trong tay quân đội Ai Cập và thực hiện lộ trình chia sẻ quyền lực với dân sự mà không ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Lực lượng dân sự được lựa chọn ở đây là tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại đây là con dao hai lưỡi bởi tổ chức này từng gắn kết với Al Qaeda. Vả lại, khi thỏa thuận chia sẻ quyền lực chắc chắn phải đi đôi với lợi ích. Nếu lợi ích còn, liên minh còn và ngược lại. Vì vậy, dư luận thế giới dự báo một chế độ độc tài vẫn tiếp tục tồn tại ở Ai Cập. Sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi nước Mỹ tìm được một ứng cử viên dân sự sáng giá cho vai trò lãnh đạo xứ sở Kim tự tháp trong tương lai.
Nguyễn Khắc Đức