
Cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine tạm lắng dịu, nhưng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Thực chất, đây không chỉ là vấn đề giá khí đốt mà còn là ván bài chính trị được tung ra vào thời điểm khá nhạy cảm.
Như báo chí Nga và Ukraine nhận xét, chính phía Ukraine đã tự gài mình vào bẫy khi tháng 3-2005, Kiev tuyên bố rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước phải dựa trên tiêu chuẩn kinh tế thị trường. Từ tuyên bố đó cho đến khi Gazprom đưa ra đề nghị giá thanh toán khí đốt được thanh toán gần mức quốc tế, thời thế đã đổi thay.

Kinh tế Ukraine không khởi sắc với sự trợ giúp của phương Tây như người ta mong đợi. Đường vào EU chưa thấy, chỉ thấy bóng dáng NATO. Nghĩa là chẳng những không có tài trợ cho kinh tế mà chi phí cho quốc phòng sẽ phải tăng mạnh. Rồi tổng thống cách chức thủ tướng.
Chính trường biến động trong khi uy tín tổng thống giảm mạnh. Các cuộc thăm dò dư luận gần nhất cho thấy đảng đối lập của cựu thủ tướng V.Yanukovich đã vượt đảng của tổng thống Yushchenko đến 5% cử tri, đó là chưa kể đến lúc đảng của cựu thủ tướng Y.Timoschenko sẽ bắt tay với đảng của Yanukovich. Cuộc bầu cử cuối tháng 3-2006 quan trọng ở chỗ theo hiến pháp mới thì thủ tướng và nội các không do tổng thống bổ nhiệm nữa mà do quốc hội bầu và cũng chỉ quốc hội mới có quyền phế truất.
Cũng từ tháng 3-2005 đến nay, giá khí đốt tăng vọt, vượt xa mọi dự kiến. Thêm vào đó, Nga và Đức hợp tác xây đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltich đến thẳng Đức, không quá cảnh Ukraine và Ba Lan như hiện nay.
Một số nhà phân tích Tây Âu cho rằng chính Tổng thống Yushchenko đã chỉ đạo cho đoàn đàm phán Ukraine đẩy cuộc thương thuyết vào thế bế tắc với hy vọng là chủ nghĩa bài Nga trong dân chúng tăng lên và cử tri sẽ không bỏ phiếu cho đảng của Yanukovich (có quan điểm thân thiện với Nga).
Nhưng một số tờ báo Nga và Ukraine lại cho rằng cuộc khủng hoảng dầu khí vừa qua gây hại cho Yushchenko vì người dân không chỉ thấy tài chính tiếp tục bị thâm hụt mà còn thấy rằng EU đã không bênh vực Ukraine như họ chờ đợi. Thực tế, trong vụ tranh chấp này EU chỉ kêu gọi cả hai phía mau đi đến thỏa thuận, khước từ vai trò trung gian hòa giải mà phía Ukraine mời gọi.
Sau vụ tranh chấp kinh tế này, câu hỏi “ai được hưởng lợi?” sẽ có lời đáp từ kết quả bầu cử vào ngày 26-3-2006
TƯỜNG VÂN