Al Qaeda vẫn đe dọa an ninh toàn cầu

Trỗi dậy tại châu Phi
Al Qaeda vẫn đe dọa an ninh toàn cầu

Vụ bắt cóc con tin đẫm máu tại Algeria để trả đũa vụ tấn công của quân Pháp vào các nhóm khủng bố ở Mali lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự trỗi dậy ngày càng tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố quốc tế sau gần hai năm trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt. An ninh toàn cầu hiện luôn ở mức báo động cao. Cuộc chiến chống khủng bố trên thực tế chỉ mới cắt được phần ngọn mà chưa chấm dứt được gốc rễ phát sinh khủng bố.

Nhóm khủng bố Ansar Diner tại Mali.

Nhóm khủng bố Ansar Diner tại Mali.

Trỗi dậy tại châu Phi

Trong bài viết “Al Qaeda phát triển mạnh tại châu Phi”, hãng AP cho biết, nhánh khủng bố của Al Qaeda đã xâm nhập sâu vào vùng Sahara, bao gồm hàng loạt quốc gia, trong đó có Mali, Algeria và Mauritania. Các nhánh khủng bố này thường xuyên tổ chức những vụ bắt cóc, tuyển tân binh và mua vũ khí công nghệ cao kể từ khi khu vực Bắc Phi rơi vào bất ổn sau phong trào Mùa xuân Ảrập. Hiện  nhóm Ansar Dine, Hồi giáo Maghreb, đang tung hoành ở Mali, nhóm Ansar al-Shariah hoạt động ở Libya, Al Shabaab kiểm soát phần lớn Somalia và đang tấn công Kenya, nhóm Boko Haram hoạt động mạnh ở Nigeria...

Giới phân tích nhận định, phương Tây đã sai lầm khi cho rằng Al Qaeda là một thực thể thống nhất. Trên thực tế, không có một Al Qaeda “trung ương” ở châu Phi, nhưng các nhóm chi nhánh đều theo đuổi tư tưởng Hồi giáo cực đoan Wahhabi nhằm chống phương Tây.

Trong quá khứ, Al Qaeda ở Afghanistan do Bin Laden lãnh đạo cung cấp tiền bạc, huấn luyện các nhóm chi nhánh. Nhưng hiện tại, các nhóm này đang tự hoạt động để có nguồn thu dồi dào. Nhánh khủng bố Hồi giáo Maghreb đang thu được nhiều khoản lợi nhuận trong những vụ buôn lậu súng, thuốc và thuốc lá. Chúng tổ chức bắt cóc người nước ngoài và đòi tiền chuộc. Sau khi gầy dựng lực lượng đủ mạnh, chúng hỗ trợ người Tuareg tham gia lật đổ Chính phủ Mali vào năm ngoái khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về một Afghanistan thứ hai tại châu Phi vì nếu phiến quân Hồi giáo chiếm được toàn bộ Mali, chúng sẽ tạo ra một căn cứ địa mới cho Al Qaeda, vượt ra ngoài tầm với của các lực lượng chống khủng bố.

Trong khi đó, nhà phân tích Seth Jones thuộc Trung tâm An ninh quốc tế (Mỹ) đánh giá vụ tấn công nhà máy khí đốt và bắt cóc con tin tại Ageria cho thấy nhánh Hồi giáo Al Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) đã rất thành thục trong các hoạt động thu thập tin tình báo, do thám, lên kế hoạch tấn công...

Cuộc chiến không có hồi kết

Những gì diễn ra tại châu Phi cho thấy, cái chết của Bin Laden không thể khiến Al Qaeda sụp đổ vì những năm qua mạng lưới khủng bố này đã thay đổi dần từ cách thức tổ chức mang tính thống nhất, với hầu hết các hoạt động đều do những chỉ huy cao nhất của mạng lưới thực hiện, để phát triển thành nhiều nhánh khủng bố địa phương. Các nhóm nhận là nhánh của Al Qaeda hầu như tự quyết định tất cả các hành động.

Theo Tân Hoa xã, chiến thuật khủng bố của Al Qaeda cũng chuyển từ các vụ tấn công rầm rộ và phức tạp với sự tham gia của nhiều người như vụ 11-9-2001, sang các vụ tấn công nhỏ lẻ và thực hiện đơn giản, chỉ với một người và một quả bom mà chúng gọi là chiến dịch sói đơn độc. Mạng lưới Al Qaeda hiện cũng có tính chất “mở” hơn so với năm 2001 dưới sự cầm đầu chặt chẽ của bin Laden. Theo đó, bất cứ ai cũng có thể gia nhập mạng lưới này, có thể tới Pakistan hoặc Afghanistan để được các đồng minh Al Qaeda huấn luyện và tiến hành đặt bom ở một nơi nào đó với danh nghĩa Al Qaeda.

Nói cách khác, việc Osama bin Laden bị tiêu diệt chỉ là việc Al-Qaeda và các chi nhánh bị mất đi một biểu tượng khủng bố thống nhất. Vì chỉ là biểu tượng và không còn chỉ huy trực tiếp như trước, nên cho dù Bin Laden đã bị loại bỏ thì hoạt động của mạng lưới khủng bố này sẽ vẫn tiếp diễn và cuộc chiến chống khủng bố chưa thể có hồi kết.

Bên cạnh đó, đúng như nhận định của một số nhà phân tích chính trị, phong trào Mùa xuân Ảrập bùng nổ lật đổ một số chính phủ đã tạo điều kiện cho các thế lực Hồi giáo cực đoan phát triển sức mạnh giữa lúc tranh tối tranh sáng. Vì vậy có thể nói, sự can thiệp thái quá của phương Tây vào tình hình nội bộ các quốc gia mà Mùa xuân Ảrập quét qua đã vô hình trung tạo điều kiện phát triển các thế lực Hồi giáo cực đoan. Và giờ đây, ở bất cứ quốc gia nào bất ổn đều có sự hiện diện của các lực lượng khủng bố núp dưới danh nghĩa lực lượng đấu tranh đòi dân chủ. Đó là tình hình hiện tại của Syria. Tại Libya, chính nước Mỹ đã trả giá khi khủng bố hiện diện dưới danh nghĩa những người bất bình với bộ phim phỉ báng đạo Hồi.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục