Ẩn sau TTIP

Trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy thỏa thuận Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Tổng thống Pháp Francois Hollande mới đây lại có phát biểu khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực. Theo đó, ông Hollande tuyên bố Paris sẵn sàng chặn TTIP.

Paris tỏ thái độ cứng rắn với lý do phía Mỹ không nhượng bộ trên các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Pháp, đặc biệt là về nông nghiệp. Pháp muốn phải ghi rõ vùng sản xuất và mở cửa thị trường Mỹ cho sản phẩm của Pháp. Thêm vào đó, tài liệu do Green Peace công bố cho thấy TTIP đe dọa cho sức khỏe người dân và môi trường. Tổng thống Pháp lập tức nắm lấy cơ hội và tuyên bố là ở giai đoạn này, Pháp nói “không” với TTIP.

Trước tuyên bố của Tổng thống Pháp, nhà báo Anne Cheyvialle cho rằng điều Pháp lo ngại nhất là nếu không đưa được những chuẩn mực của châu Âu bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường vào trong hiệp định thương mại với Mỹ, mà còn bị Mỹ áp đặt ngược trở lại, sức khỏe người dân châu Âu thực sự bị đe dọa.

Tuy nhiên, tờ Le Figaro lại nhìn từ một góc độ khác khi nhận định ông Hollande đã chụp cơ hội tốt để “giải hòa” với các đảng bảo vệ môi trường từ lâu nay chống TTIP và nhất là để chiều theo phần đông công luận lo ngại các chuẩn mực xã hội và môi trường thiên nhiên của Pháp sẽ bị hạ thấp khi mở rộng cửa buôn bán với đồng minh Mỹ. Nói cho cùng, theo Le Figaro, phản ứng cứng cỏi của tổng thống Pháp chỉ để phục vụ nhu cầu chính trị quốc nội bởi Brussels đã được 28 thành viên EU ủy nhiệm đàm phán và cho dù bị ít nhiều công luận trong nước phản đối, chính phủ 3 nước lớn là Đức, Anh, Italia vẫn muốn đạt được TTIP.

Cùng quan điểm với Le Figaro, báo La Croix lưu ý “đòn chính trị” của chủ nhân điện Elysee. La Croix đặt câu hỏi phải hiểu thế nào về lời tuyên bố “ở giai đoạn đàm phán này, Pháp nói không với TTIP”, vì Pháp không hài lòng hay nước Pháp nói không? Thật ra, theo La Croix, đây là chiến thuật quen thuộc của ông Hollande lúc nào cũng muốn thắng, dù tình huống biến chuyển ra sao. Ông không muốn mang tiếng là kẻ thọc gậy bánh xe cuộc đàm phán quốc tế, vì như thế sẽ làm nước Pháp bị cô lập. Tổng thống Pháp đưa ra một thông điệp tiêu cực để chinh phục cảm tình dân Pháp rất hoài nghi kinh tế toàn cầu hóa. Và như vậy, ông vừa đuợc lên điểm trong công luận Pháp, vừa không làm mất lòng các đối tác quốc tế. Vì theo nhận định của nhiều chuyên gia, còn rất lâu mới đạt được thỏa hiệp chung cuộc cho nên lúc này không phải là lúc nói thật!

Có thể nói, vì chiến lược ra tranh cử lần hai, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh đến nhiều biện pháp mang tính xã hội như giảm thuế cho người có thu nhập thấp, tăng tiền lương tháng và tiền thưởng cuối năm cho giáo viên tiểu học... Nhưng các biện pháp dân túy xuất phát từ lời hứa của ứng cử viên Hollande năm 2012 cũng được báo Liberation rà soát không khoan nhượng, để xem vào thời điểm ông dọn đường tái tranh cử lời hứa nào đã được thực hiện, chưa thực hiện hoặc thực hiện được phân nửa. “Cho dù còn nhiều lời hứa chưa thực hiện, ông Francois Hollande, đã đến ngã tư và ông sẽ quẹo trái”, tờ Liberation viết.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục