Án tham nhũng giảm do đấu tranh yếu hay thực tế giảm?

Xử lý nghiêm án tham nhũng, tránh bỏ sót tin báo tố giác, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, quản lý chặt chẽ phạm nhân trong các trại giam… là những nội dung được thảo luận sôi nổi trong khuôn khổ phiên họp toàn thể thứ 14 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 13-9.

Đang xây dựng quy chế quản lý tin báo tố giác tội phạm

Trước những ý kiến cho rằng việc xử lý tin báo tố giác tội phạm còn nhiều bất cập, Trung tướng Trần Trọng Lượng, đại diện Bộ Công an cho biết, theo Thông tư 06/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ Công an đã quy định giao cho công an cấp xã, phường, đồn, trạm… tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. “Nếu chấp hành đúng thông tư này thì không có việc bỏ sót tin tố giác. Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng quy chế quản lý tin báo tố giác, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội”, Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết.

Về việc bảo quản, xử lý vật chứng của nhiều vụ án, ông Trần Trọng Lượng nhìn nhận, đúng là có những bất cập. Thời gian từ lúc thu giữ đến lúc xử lý thường kéo dài, dẫn đến tài sản bị hư hỏng, lãng phí; chưa kể phải bố trí nhân lực để trông giữ, bảo quản… nhưng chưa có giải pháp để khắc phục, do chưa có quy định cụ thể. Một số trường hợp lại phải chờ quyết định có hiệu lực của tòa án mới xác định được tội danh của các đối tượng phạm tội, từ đó mới có thể tiến hành xử lý vật chứng. Trong khi đó, việc định giá tài sản của Bộ Tài chính kéo dài; một số điều tra viên ngại trách nhiệm, không dám đề xuất (điển hình như trong các vụ buôn bán ô tô ngoại, do ngại bị phía nước ngoài khởi kiện)…

Trong năm nay (tính đến thời điểm báo cáo), số vụ án tham nhũng giảm 0,4% về số vụ và 7,01% về số bị can so với cùng kỳ năm trước. Nhiều đại biểu tham dự phiên họp nêu vấn đề: Việc giảm này do khả năng đấu tranh yếu kém hay thực tế giảm? Ông Trần Trọng Lượng khẳng định, trong những năm vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo rất sát vấn đề này nên các cơ quan quyết tâm rất cao, chính vì thế tỷ lệ án tham nhũng đã giảm trên thực tế. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng thừa nhận, việc tội phạm tham nhũng trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn cũng là một nguyên nhân dẫn đến số vụ án và bị can giảm.

Tiếp lời, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cũng cho biết: “Án tham nhũng, Viện Kiểm sát đã quán triệt làm rất chặt, án treo đã giảm 0,9%”. Về tin báo tố giác tội phạm, ông Nguyễn Hải Phong nhìn nhận, điểm nghẽn quan trọng nhất là nguồn tin báo tố giác được xác minh, xử lý như thế nào… Tiếp tục “xoáy” vào vấn đề này, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Thường nói: “Đi giám sát thì thấy không ít trường hợp cơ quan này không đồng ý với cơ quan kia trong việc xử lý tin báo tố giác tội phạm; kiểm sát thì báo cáo công an không cung cấp, còn công an bảo không thể cái gì cũng báo cáo”. ĐB Phạm Văn Thường cũng yêu cầu báo cáo rõ việc xử lý đối với các trường hợp cán bộ sử dụng nhục hình, bức cung…

Thống nhất các quy định pháp luật về thi hành án

Cũng tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và một số đại biểu khác đã bày tỏ quan tâm đến công tác thi hành án dân sự. Theo ông Nguyễn Đình Quyền, việc bán tài sản để thi hành án đang rất khó khăn; cơ chế kiểm soát tài sản chưa chặt chẽ…

Trước đó, trong đánh giá chung về công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, mặc dù có kết quả tương đối cao về thi hành án, nhưng công tác thi hành án dân sự chưa có sự đột phá, còn khoảng cách so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài và một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm. Để tăng hiệu quả công tác thi hành án, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự về thi hành các bản án, quyết định của tòa án để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Trong khi đó, ĐB Trịnh Thanh Bình lưu ý: “Nếu giao thẩm quyền điều tra cho công an xã thì phải rất thận trọng. Ở vùng sâu, vùng xa, trách nhiệm của công an xã trong việc bảo vệ hiện trường rất quan trọng, nên nếu trao quyền phải đồng thời với quy định nhiệm vụ cụ thể. Ngay cả công an phường hiện nay nếu muốn trao thẩm quyền này cũng phải có những điều kiện nhất định: phải là người được đào tạo chính quy và có năng lực trong công tác điều tra…”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục