Ăn tiết canh, nhập viện hôn mê

Bệnh nhân được chuyển tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, trên mặt xuất hiện những mảng tím và có triệu chứng suy hô hấp. Dựa trên tiền sử bệnh nhân có ăn tiết canh lợn vào ngày 30 Tết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Ngày 19-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu một bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Theo bác sĩ Phan Văn Dinh, trực cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, bệnh nhân là anh Vàng Văn Tả (34 tuổi, ở bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) được chuyển tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, trên mặt xuất hiện những mảng tím và có triệu chứng suy hô hấp.

Trước đó, vào ngày 30 Tết, gia đình anh Tả có mổ lợn, đánh tiết canh để anh em cùng ăn. Một ngày sau khi ăn tiết canh lợn, anh Tả có biểu hiện sốt nhẹ, khó thở nhưng gia đình nghĩ do thay đổi thời tiết nên anh Tả bị cảm cúm. Tuy nhiên tới ngày 17-2, anh Tả đã có biểu hiện sốt cao, nôn khan, đi ngoài, người mệt mỏi và sau đó một ngày, bệnh nhân chuyển sang hôn mê, trên mặt, cánh tay xuất hiện những mảng bầm tím.

Ăn tiết canh, nhập viện hôn mê ảnh 1 Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, tính mạng bị đe dọa

Bác sĩ Phan Văn Dinh cũng cho biết, ngay khi tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Vàng Văn Tả, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đã truyền dịch nâng huyết áp, dùng kháng sinh, áp dụng phác đồ điều trị tích cực. Dựa trên tiền sử bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn qua việc ăn tiết canh. Trước diễn biễn sức khỏe của bệnh nhân rất xấu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã quyết định chuyển bệnh nhân Tả về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị.

Ăn tiết canh, nhập viện hôn mê ảnh 2 Ăn tiết canh rất dễ nhiễm liên cầu khuẩn

Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng vừa có cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn từ việc ăn tiết canh lợn, hay thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Theo đó, bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng gia tăng số người mắc vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch. Trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn tiết canh cho may mắn. Trong khi qua giám sát cho thấy, lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính, thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…). Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Đáng lưu ý, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.

Thống kê từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, năm 2017, cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người do liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S. suis) gây ra. Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi hoặc có qua khỏi cũng để lại những biến chứng nặng nề.

Tin cùng chuyên mục