Ấn tượng về tính cách đồng chí Nguyễn Chí Thanh

Ấn tượng về tính cách đồng chí Nguyễn Chí Thanh

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có 3 người đứng đầu cơ quan lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam - đó là các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng. Hai anh Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh, tôi đã từng gặp và tiếp xúc trong những tháng năm chống Pháp tại chiến khu Đồng Tháp Mười và trong vùng giải phóng Tây Nam bộ.

Anh Nguyễn Chí Thanh, cách đây 56 năm, tôi được biết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II vào đầu năm 1951 ở chiến khu Việt Bắc. Lúc ấy, tôi là thành viên trong Đoàn đại biểu Đảng bộ Nam bộ. Anh Nguyễn Chí Thanh trong Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua một số đồng chí nói lại, tôi được biết, Anh nguyên là Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV, được Trung ương điều ra Việt Bắc trước đó không lâu để đảm nhận trọng trách công tác mới. Ấn tượng ban đầu của tôi là, tại Đại hội này, anh Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị với sự tín nhiệm cao. Sáu năm trước đó, Anh được bầu vào Trung ương trong cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào hồi mùa Thu năm 1945.

13 năm sau Đại hội II, tôi gặp lại anh Nguyễn Chí Thanh và trực tiếp làm việc với Anh tại chiến khu Bắc Tây Ninh. Anh được Bác Hồ và Trung ương cử vào phụ trách B2 (*). Lúc bấy giờ, Anh ở và làm việc tại Khu căn cứ Trung ương Cục, nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh – nơi thường được gọi là vùng “Núi đất”.

Vì ở nơi đây, anh em cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị bảo vệ đã xây dựng một công sự kiên cố để phòng bom, pháo. Bên trên nóc hầm, được đắp cao và gia cố bằng một loại “hợp chất” đất trộn với trấu. Ở xa thoạt trông, giống như một quả núi nho nhỏ nhô lên dưới tán cây rừng. Vì vậy, anh em trong cơ quan đã đặt cho nó một biệt danh, theo cách gọi nôm na là “Núi đất”.

***

Ấn tượng về tính cách đồng chí Nguyễn Chí Thanh ảnh 1

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong Căn cứ Miền năm 1965. Ảnh tư liệu

Nói đến anh Nguyễn Chí Thanh là nói đến một nhà chiến lược quân sự và chính trị bản lĩnh, ý chí cách mạng tiến công, những phẩm chất ấy càng nổi bật trong giai đoạn mở đầu thời kỳ quân dân miền Nam đánh quân viễn chinh Mỹ.

Vào giữa mùa khô 1965, quân Mỹ được ồ ạt đưa vào miền Nam Việt Nam, buộc Việt Nam phải lựa chọn: “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhiều vấn đề đã được đặt ra trong các cấp lãnh đạo của Đảng và quân dân ta ở miền Nam, lựa chọn dứt khoát là, phải đánh quân xâm lược, và suy nghĩ lớn nhất là, đánh cách nào để thắng. Những thách thức sống còn đó, trực tiếp đặt ra cho cơ quan lãnh đạo của Đảng ở miền Nam: Trung ương Cục và người đứng mũi chịu sào lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Thay mặt Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, anh Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập một cuộc hội nghị quân sự khẩn cấp toàn Miền mở rộng, có sự hiện diện của chỉ huy các đơn vị chủ lực và một số đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh. Tôi từ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định về Trung ương Cục họp, đến gặp Anh tại Bộ Chỉ huy Miền, được Anh thông báo nhanh về kết quả của cuộc hội nghị quan trọng này. Anh cho biết, một vấn đề sát sườn đã được hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị nêu lên là, ứng dụng những kinh nghiệm nào, phương châm nào và cách nào để đánh quân xâm lược Mỹ.

Với phong thái lạc quan và tự tin, Nguyễn Chí Thanh đã giải đáp trước hội nghị, đại để là: xưa nay ta có đánh Mỹ bao giờ đâu mà có kinh nghiệm, phương châm và cách đánh? Còn kinh nghiệm và cách đánh của liên quân Trung-Triều với Mỹ ở Triều Tiên trước đây, không thể vận dụng được trên đất nước ta. Chỉ có thể kế thừa và vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm chiến tranh nhân dân đã đánh thắng đội quân viễn chinh Pháp trong 9 năm kháng chiến. Và Anh quả quyết khẳng định rằng: Điều quan trọng hàng đầu là quyết tâm chính trị của Đảng ta, là phải thắng Mỹ, “phải dám đánh và phải đánh thắng ngay từ trận đầu”. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ phát hiện ra dần cách đánh, phương châm và kinh nghiệm đánh Mỹ. Nói tới đây, tôi thấy Anh biểu lộ sự phấn khích của mình qua một cử chỉ nhỏ quen thuộc: vứt điếu thuốc lá đang hút dở dang, rồi châm lửa đốt tiếp điếu thuốc khác. Tôi cảm thấy anh hài lòng vì đã tự thuyết phục mình, thuyết phục được cả anh em dự hội nghị và như thuyết phục được người đang đối thoại với mình.

Sau khi kết thúc hội nghị, một sự kiện nhỏ nhưng rất thật trong cán bộ và người chỉ huy (cũng theo lời kể của anh Thanh) - tôi thích thú với câu chuyện vui rất thật này: Anh cho biết, sau khi cuộc hội nghị quân sự bế mạc, có mấy đồng chí cùng ra về một lúc, rồi quay trở lại gặp riêng anh Thanh: Anh hỏi, còn chuyện gì, đồng chí ấy thưa “xin đồng chí cho ý kiến thêm về phương châm và cách đánh quân Mỹ”. Lúc ấy, Anh vừa nhìn đồng chí đó, vừa cười và hai bàn tay vỗ vỗ vào hai túi áo, rồi nói: “Đồng chí xem đây, trong hai túi áo xẹp lép của tôi, không có phương châm, cách đánh Mỹ nào cả, anh hãy về đơn vị đi, đừng sợ, dám đánh là sẽ ra phương châm và cách đánh!”.

Quả nhiên, những chiến thắng vang dội của quân và dân ta đánh phủ đầu quân viễn chinh Mỹ trong Thu - Đông 1965 chứng minh điều đó. Rõ ràng, chiến thắng Vạn Tường, chiến dịch Plây Me, chiến thắng Đất Cuốc, chiến dịch Dầu Tiếng… đã cung cấp cho quân và dân ta những bài học kinh nghiệm thực tiễn rất quý giá trên chiến trường trong những trận ra quân đầu tiên. Đúng với tư tưởng tiến công xuyên suốt của anh Nguyễn Chí Thanh: “Dám đánh và phải đánh thắng, ắt sẽ tìm ra cách đánh, phương châm và kinh nghiệm đánh Mỹ”.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, tiếp theo sau cuộc hội nghị quân sự quan trọng trên đây, hàng loạt vấn đề thực tiễn bức xúc nảy sinh trên chiến trường đặt ra cần phải được giải đáp kịp thời cho cán bộ và chiến sĩ ta. Bằng bản lĩnh chính trị, quân sự của mình, anh Nguyễn Chí Thanh đã xử lý kịp thời và có hiệu quả. Nhằm đối phó với ưu thế về quân sự, hỏa lực cực mạnh, cơ động nhanh của địch, anh Nguyễn Chí Thanh đã đề ra phương châm tác chiến nổi tiếng: “Phải bám thắt lưng địch mà đánh”. Để đối phó có hiệu quả với ưu thế về phương tiện cơ động, ta phát huy cao độ đường lối chiến tranh nhân dân: quân ta bố trí lực lượng sẵn sàng ở khắp mọi nơi, tạo ra một thế trận chiến tranh nhân dân “chỗ nào cũng đánh”. Thế là quân ta chỗ nào cũng có, vậy là chúng ta có cách trừ quân cơ động nhanh của địch. Địch triệt để sử dụng chiến tranh tâm lý, chúng ca tụng hết lời về ưu thế của “trực thăng vận” và hù dọa bằng khẩu hiệu: “Chiến tranh du kích sẽ làm mồi cho trực thăng vận”. Dùng phương châm “dĩ độc trị độc”, từ sáng kiến của chiến tranh du kích Việt Nam, sau khi du kích hạ được trực thăng, toàn Miền nêu lên khẩu hiệu tác chiến: “Biến trực thăng vận của Mỹ làm mồi cho du kích chiến”, anh Nguyễn Chí Thanh rất cổ vũ cho khẩu hiệu này.

Một trong những phương pháp chỉ đạo hay của anh Nguyễn Chí Thanh là, luôn luôn quan tâm tạo ra những mô hình mang tính ngòi pháo, phát động việc thi đua đuổi kịp và vượt điển hình. Tôi cho đó là phương pháp tốt đối với bất cứ lĩnh vực hoạt động nào. Nhớ lại hơn 40 năm về trước, được Trung ương phân công trực tiếp phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, Anh đã cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp và các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu phát triển sản xuất, phá cơ chế “xiềng ba sào”, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa và cây trồng. Đồng thời, phát động một phong trào thi đua rầm rộ, dấy lên làn “gió Đại Phong” sôi nổi trên miền Bắc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1965 trên chiến trường B2, anh Nguyễn Chí Thanh đã đầu tư tâm lực, đi xuống đơn vị chiến đấu ở cơ sở để nghiên cứu về công tác chi bộ ở một đại đội quân giải phóng - đại đội Lê Hồng Phong. Từ đó, Anh đã rút ra kết luận quan trọng: “Việc chú trọng công tác chi bộ, việc cải tiến sinh hoạt của chi bộ, việc phát huy tác dụng lãnh đạo của chi bộ... là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đại đội này trở thành lá cờ đầu xứng đáng”. Và Anh chủ trương: Tất cả các chi bộ đại đội trong toàn quân phải học tập mô hình “Chi bộ đại đội Lê Hồng Phong”.

Nhắc đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta không thể không nhắc đến những bài báo đã từng nổi tiếng một thời của Anh với bút danh Trường Sơn, Cửu Long viết vào mùa khô năm 1965 - 1966. Sở dĩ những bài báo này có sức thu hút mạnh mẽ độc giả, tạo ra dư luận trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo và một bộ phận dân chúng, là vì nó chứa đựng hàm lượng thông tin cao, có tính tư tưởng và tính chiến đấu sắc bén, có giá trị về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Ví như, trong bài “Kế hoạch phản công chiến lược mùa khô của Mỹ bị đập tan, quân - dân miền Nam ta đã giành được thắng lợi rất lớn”, viết vào tháng 5-1966, Anh đã rút ra 3 bài học và 3 nguyên nhân thắng lợi của quân- dân ta trên chiến trường. Anh cũng đã chỉ rõ 5 chỗ yếu cơ bản của địch và 5 điểm mạnh cơ bản của ta.

Có lẽ, tinh hoa về tư tưởng quân sự mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đúc kết trong khói lửa chiến tranh là phân tích sự khác nhau về chất giữa hai cuộc chiến tranh đang đối chọi nhau. Trong bài “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mỹ và ngụy thua to trong mùa khô 1965 - 1966?” đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân tháng 6 năm 1966, Anh viết: “Do có thế giới quan duy vật biện chứng và quan điểm quân sự cách mạng, quân và dân miền Nam trong chỉ đạo chiến tranh đã đánh giá địch, ta một cách khách quan, khoa học, phát huy được tính hơn hẳn của chiến tranh nhân dân, khắc phục được chỗ yếu về vật chất, biến lực lượng chính trị thành lực lượng quân sự, ưu thế chính trị thành ưu thế quân sự, khoét sâu chỗ yếu của địch, đưa chúng vào thế ngày càng bị động”. Anh lại viết: “Do thế giới quan quân sự nước lớn chi phối, sự chỉ đạo chiến tranh của Mỹ luôn luôn chủ quan, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác”.

Đó là những lời tâm huyết, tự tin của một nhà cầm quân có ý chí sắt đá gửi lại cho chúng ta trước khi vĩnh biệt chiến trường.

***

Trong những tháng năm anh Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục, tôi được gặp Anh nhiều lần trong hội nghị và đã trực tiếp làm việc với Anh tại “bản doanh” Núi đất. Anh có sức lôi cuốn người đối thoại với mình bằng vốn kiến thức dồi dào và năng lực tư duy nhạy bén. Là một cán bộ lãnh đạo đã từng lăn lộn và trưởng thành trong những phong trào đấu tranh sôi động, trải qua các giai đoạn cách mạng thăng trầm của Đảng. Vì vậy, Anh luôn luôn sống gắn bó với đồng chí và đồng đội, có một lòng tin vững chắc vào nhân dân, giàu vốn sống và rất coi trọng công tác thực tế.

Cho dù hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm sâu sắc trong những buổi làm việc dài ngày giữa Thường vụ Khu ủy Khu Sài Gòn - Gia Định với anh Nguyễn Chí Thanh tại suối Bà Chiêm – căn cứ Dương Minh Châu vào mùa khô năm 1965. Tuy phải mất hơn một tuần khá vất vả trong việc đầu tư công sức để nâng cao chất lượng bản báo cáo tổng kết tình hình về tổ chức và hoạt động của Khu Sài Gòn - Gia Định, nhưng tất cả anh em chúng tôi đều cảm thấy thích thú về phong cách của anh Nguyễn Chí Thanh, vừa đi sâu qua báo cáo của chúng tôi, vừa phát hiện và phân tích để làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng trong công tác chỉ đạo thực tiễn.

Trong những ngày làm việc với anh Nguyễn Chí Thanh, tôi khám phá được thêm nhiều những suy nghĩ phong phú của Anh về những vấn đề có tầm chiến lược trong công tác đô thị, nhất là ở Sài Gòn.
Trước hết là, trong việc tổng kết tình hình, chúng tôi tâm đắc phương pháp vận dụng quan điểm phát triển, cách mạng và khoa học để nhận xét, đánh giá sâu sắc hơn. Tổng kết không phải đơn giản làm một phép tính cộng, theo kiểu liệt kê tình hình, sắp xếp các sự kiện như một biểu đồ thống kê các sự kiện mà ai cũng đã biết.

Tổng kết là phải đứng trên quan điểm phát triển và toàn diện, nghĩa là phải căn cứ vào sự đánh giá tổng hợp cả về các mặt chủ quan, khách quan và khả năng lãnh đạo; dự báo được những xu thế phát triển của tình hình, phát hiện được những hiện tượng mới để kịp thời tiếp cận trong chỉ đạo.

Thứ hai, về vấn đề vận dụng tư duy lý luận sáng tạo để tập hợp lực lượng và đẩy mạnh phong trào đấu tranh đô thị. Anh Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh, để xây dựng đội quân chính trị đa dạng của quần chúng trong đô thị, đương nhiên phải quan tâm xây dựng hạt nhân cách mạng từ lực lượng đông đảo trong công nhân, các tầng lớp lao động và lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh. Song, không thể đơn thuần xem xét các tầng lớp xã hội trong số đông, mà còn phải đánh giá đúng nhận thức và thái độ chính trị của họ đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Khi nói về lực lượng chính trị, phải chú ý phân tích vị trí của các giai tầng trong xã hội, khuynh hướng và ảnh hưởng của họ, kể cả các tôn giáo ở Sài Gòn – Gia Định. Phải chú trọng đến vai trò của những nhân sĩ trí thức tiêu biểu và trong giới kinh doanh có ý thức dân tộc. Một trong những điều mà anh Nguyễn Chí Thanh tâm đắc nhất là, những vị nhân sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn- Gia Định đã biểu thị thái độ bất hợp tác ngay từ đầu với chế độ được gọi là “chế độ Mỹ Diệm”. Họ đã từng bị chụp mũ là nhóm “trí thức trùm chăn” – đó là các cụ: Lưu Văn Lang, Dương Minh Thới, Nguyễn Văn Dỹ, Nguyễn Xuân Bái, Hồ Đắc Ân, Trịnh Đình Thảo…

Thứ ba, chúng tôi đặt ra cùng trao đổi và anh Thanh cũng đặc biệt quan tâm đến sự diễn biến trong nội bộ chính quyền quân đội Sài Gòn, nhất là sau cuộc đảo chính của nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh. Tất nhiên, đây không ngoài kịch bản của Mỹ. Và người đạo diễn không phải ai khác là CIA. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không hẳn là chúng điều khiển được tất cả mọi việc. Qua sự phân tích sâu sắc về vấn đề này của anh Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi càng có thêm cơ sở thực tiễn để đánh giá thái độ chính trị của các tầng lớp nhân dân trong đô thị, hiện tượng mâu thuẫn và sự phân hóa phát sinh ngày càng sâu sắc trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, mâu thuẫn với Mỹ, cũng như những biểu hiện về ý thức dân tộc có cơ hội sẽ được bộc lộ ở một số nhân vật trong giới cầm quyền ở Sài Gòn…

Là một nhà quân sự năng động và sáng tạo, ý chí tiến công mạnh và tầm nhìn xa, tuy được tiếp cận với chiến trường miền Nam trong thời gian không lâu, nhưng Nguyễn Chí Thanh đã nghĩ ngay đến việc phải chủ động tạo ra cho được “quả đấm mạnh” trên chiến trường để giành chiến thắng lớn cả chính trị, quân sự. Anh đã hình thành một bộ phận phối hợp phụ trách nhằm chuẩn bị một kế hoạch sẵn để khi có thời điểm quân sự và chính trị thích hợp, để có thể tập kích lớn vào cơ quan đầu não của địch. Đó là, “kế hoạch tiền thân của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968” mà anh Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất rất sớm tại chiến trường.

Anh Thanh mất khi kế hoạch này đang được anh trực tiếp gấp rút chuẩn bị. Cho dù năm tháng đã đi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử này, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, nuối tiếc. Tôi tin là nếu anh Nguyễn Chí Thanh còn sống trong thời điểm lịch sử ấy, kế hoạch tổ chức tập kích chiến lược năm Mậu Thân - 1968, có thể sẽ được thực hiện chắc chắn hơn, thắng lợi có thể to lớn hơn và nhất là cái giá phải trả có thể được hạn chế hơn.

***

Cuộc đời anh Nguyễn Chí Thanh là cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, hào hùng của một chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung, cuộc đời của một dũng tướng tận trung với nước, chí hiếu với dân, đã góp phần cống hiến xuất sắc vào việc vận dụng và quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, tạo nên những chiến công hiển hách của đất nước và nhân dân.

Từ Bí thư Chi bộ của một đơn vị tổ chức cơ sở Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV đến Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; từ Bí thư Tổng quân ủy đến Bí thư Trung ương Cục miền Nam; từ chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đến Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền trên chiến trường B2… ở đâu, và bất kỳ giữ cương vị nào, anh Nguyễn Chí Thanh đều để lại dấu ấn sâu đậm của một cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, hết lòng thương yêu đồng chí, quý trọng đồng bào. Thương tiếc biết bao, giữa lúc tuổi đời còn tràn đầy sinh lực, tài năng và trí tuệ đang độ chín muồi, Nguyễn Chí Thanh đã đột ngột vĩnh biệt non sông đất nước này, vĩnh biệt các bạn chiến đấu và đồng chí, đồng bào để đi vào cõi thiên thu trong một buổi sáng mùa hè không thể nào quên, tại thủ đô Hà Nội, cách đây tròn 40 năm.

Kỷ niệm 40 năm ngày mất của anh Nguyễn Chí Thanh, tôi viết những dòng này với tấm lòng ngưỡng mộ và sự tri ân sâu sắc. Giữa lúc Đảng ta đang tổ chức sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”, tôi nghĩ anh Thanh chính là một mẫu mực của việc học tập theo gương Hồ Chủ tịch. Hình ảnh của Nguyễn Chí Thanh luôn là một trong những biểu tượng tiêu biểu bên cạnh Hồ Chủ tịch.

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thật sự vẻ vang! Anh đúng là một tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng.

(*) Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, để thuận tiện cho việc lãnh đạo và chỉ đạo, chiến trường miền Nam được chia làm 4 khu vực mang mật danh: B1, B2, B3 và B4. B2 bao gồm các tỉnh Nam bộ và cực Nam Trung bộ. 

VÕ VĂN KIỆT
(Nguyên Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam)

Tin cùng chuyên mục