Anh Phát và con đường tình nghĩa

"Không chỉ hiến đất, họ còn bỏ ra 1,7 tỷ đồng để đền bù giải tỏa, mở rộng, đổ nhựa, lắp điện chiếu sáng cho hẳn một con đường”. Đó là việc làm của gia đình anh Ngô Tùng Phát, ngụ tại số nhà 89/1/59 tổ 8, khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TPHCM.

Cho đến khi anh Phát dừng xe chỉ tay xuống mặt đường giới thiệu, tôi vẫn chưa tin đây là sản phẩm ra đời từ tinh thần tự giác của một hộ dân. Con đường nhựa dài hơn 800m, rộng 6m cùng nhiều hẻm nhánh với hệ thống cống thoát nước, lề đường lát gạch khang trang, sạch sẽ, có cả hệ thống đèn chiếu sáng…

Theo mô tả của các hộ dân, trước đây con đường này chỉ rộng chừng 1,5m, bụi bay mù mịt vào mùa nắng và nhão nhoẹt bùn sình vào mùa mưa. Năm 2005, gia đình anh Phát tổ chức xây nhà thờ gia tộc. Trong quá trình rải đá cho xe chở vật liệu xây dựng vào, anh nhận thấy việc mở đường sẽ có lợi cho cộng đồng khu dân cư.

Thế là, anh bàn với gia đình chủ động bỏ tiền mở rộng đường và đổ nhựa cho bà con đi. Quyết định làm một con đường to đàng hoàng, rộng những 6m, quả là táo bạo. Bởi đất của mình, hiến đi thì dễ dàng rồi, nhưng việc giải tỏa đất của các gia đình khác ở hai bên đường thì với các cơ quan Nhà nước còn khó vô vàn, huống chi đây chỉ là “chủ trương” của cá nhân.

Một số bà con hiểu được mục đích tốt đẹp của anh Phát, đồng ý nhận giá đền bù thấp, nhưng nhiều hộ đòi đền bù với giá thị trường (thời điểm đó là 3,5 triệu đồng/m²). Có người ra mặt chống đối, không hưởng ứng, không chấp nhận giải tỏa vì cho rằng anh Phát làm đường để… trục lợi!

Những ngày đó, anh Phát cùng với em trai là Ngô Tùng Tài phải chia nhau đến từng nhà vận động, năn nỉ để có thể giải phóng được mặt bằng theo ý muốn, con đường được rộng đều, đẹp đẽ. Có 2 hộ chủ nhà đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, các anh phải nhờ người thân gọi điện thoại qua đó thương lượng, thuyết phục.

Thương lượng được đến đâu, anh Phát cho làm “cuốn chiếu” đến đó. Những đoạn đường nhựa đầu tiên hình thành làm cho bà con phấn chấn, tin tưởng, từ đó việc giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2007, con đường làm xong. Nhưng từ đây lại phát sinh thêm một vấn đề: do đường cao, nước mưa cứ thế tràn ra ngập hết các con hẻm nhánh.

Không thể để bà con trong các con hẻm chịu thiệt thòi, anh Phát lại tiếp tục đầu tư tiền, rải đá, đổ nhựa luôn 4 con hẻm lân cận. Khi hẻm được nâng cao thì nước lại tràn vào nhà dân, thế là anh Phát nghĩ cách đầu tư hệ thống cống thoát nước.

Do chưa có hệ thống chung để đấu nối, anh đành cho dẫn cống thoát nước về hồ chứa của gia đình. Không dừng lại ở đó, anh Phát còn mua luôn cả gạch lót lề đường và lắp hệ thống đèn chiếu sáng cho bà con đi an toàn hơn.

Để có được con đường như hôm nay, gia đình anh Phát đã bán đi mấy dãy nhà trọ đang là nguồn thu nhập chính của gia đình, chi ra 1,7 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho 11 hộ gia đình đã chiếm hết 750 triệu đồng.

Việc làm có ý nghĩa to lớn, nhưng anh Phát chỉ nghĩ đơn giản: “Nhìn các em học trò đạp xe đi học an toàn, các cụ già thư thái dạo bộ, tập thể dục trên con đường, không phải hít bụi, lội bùn nữa, chúng tôi thấy rất phấn khởi và hài lòng”.

Quý Lâm

Tin cùng chuyên mục