Anh thương binh nhân hậu

Nghe chuyện anh thương binh nặng Trần Ngọc Nam (41 tuổi) dù sức khỏe rất yếu, cuộc sống khó khăn, nhưng vẫn hết lòng giúp đỡ mọi người trong xóm, chúng tôi tìm đến nhà anh.
 Loanh quanh cả tiếng đồng hồ trong các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi mới tìm được nhà số 159/90/16 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3, TPHCM. Anh Nam mở quán cà phê ở trước nhà, gọi là quán nhưng chỉ có 3 cái bàn thấp và vài cái ghế nhỏ đặt dưới gốc cây bồ đề. 

Hỏi thăm về tình trạng sức khỏe, anh Nam chia sẻ: “Tôi bị thương cột sống, vài đốt sống bị xẹp, xiêu lệch, nằm quay phía nào cũng đau. Hơn 2 năm qua, một khối u đã phát triển nặng bên ngực trái. Tôi đi khám, Bệnh viện Quận 3 chuyển lên tuyến trên. Đến Bệnh viện Ung bướu, bác sĩ yêu cầu nhập viện, y tá kêu đóng 1 triệu đồng, hỏi ra mới biết đó là tiền bông, băng, dây truyền,  nước biển… còn tiền giải phẫu thì chưa biết. Nghe vậy, tôi thu xếp đồ đạc đi về. Mới đây, đi khám cột sống, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng yêu cầu nhập viện. Nghe phải đóng tạm ứng viện phí 3 triệu đồng, tôi cũng đi thẳng về nhà”. Anh Nam thổ lộ: “Tôi có đến 3 cái sợ. Sợ đau chỉ một phần thôi. Sợ không đủ tiền để phẫu thuật, sợ rủi có mệnh hệ nào thì ai sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc cho con. Vợ tôi đang làm bảo mẫu trong nhà trẻ, lương 3 cọc 3 đồng, làm sao đủ lo”. 

Quán cà phê của anh Nam trở thành nơi họp mặt của những người trong xóm. 4 giờ sáng, anh thức dậy lo nấu nước pha cà phê, nhưng do vết thương hành hạ nên anh chỉ bán đến 9 giờ sáng là phải vào nhà nằm nghỉ. Quán để vậy cho hàng xóm muốn uống gì cứ đến tự pha. Cô Kim Anh, nhà gần đó, đang ngồi uống cà phê tại quán, kể với chúng tôi: “Tôi ở xóm này lâu rồi và biết rất rõ chú Nam. Chú ấy đã trải qua nhiều cơ cực trong cuộc sống, chắc có lẽ vì vậy nên chú rất hiểu và cảm thông với những người nghèo. Sức khỏe yếu vậy nhưng hào hiệp lắm, hàng xóm có chuyện, ới một tiếng là chú có mặt ngay. Nhà ai có đám tang là chú bỏ quán cà phê đi lo giúp việc làm giấy khai tử, dựng rạp, dọn nhà… Gặp nhà nào nghèo quá, chú Nam chạy ra chợ mua mấy chục trứng vịt, mấy ký thịt về kho đem cho. Bán cà phê chưa đến 20 ly/ngày, nhưng thấy em nhỏ bán vé số bị giật, hay người lang thang cơ nhỡ, chú Nam đều móc hết tiền trong túi cho”. 

Anh Đạt cũng là một khách hàng thân thiết của quán, kể: “Ly cà phê bán 8.000 đồng, nhưng với người khó khăn thì anh Nam chỉ tính giá 5.000 đồng/ly cà phê sữa đá. Sống giản dị, luôn hết lòng lo cho người nghèo khó hơn mình, nhưng anh Nam quên mất mình đang đau bệnh, hễ rảnh là lấy chổi ra quét sạch con hẻm”.

Tin cùng chuyên mục