Áp dụng ESG – “tấm visa” cho hàng hóa xuất ngoại

Ngày 2-6, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp tổ chức hội thảo ESG – Dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số năm 2023 (từ ngày 1 đến 7-6 tại Showroom xuất khẩu, số 92-96 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MAI HOA

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MAI HOA

ESG là viết tắt của Environmental, Social, Governance, tức là Môi trường, Xã hội và Quản trị. Đây là một khái niệm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của công ty khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao sẽ càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch ITPC Nguyễn Tuấn khẳng định, trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn và là doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán triển khai chương trình ESG. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng, khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được.

Giám đốc cố vấn DIGIWIN VIETNAM Nguyễn Hoàng Dũng, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ESG từ góc độ doanh nghiệp. Theo đó, giải pháp ESG cần tiến hành theo 4 bước: quản lý năng lượng; tiết kiệm năng lượng và giảm thải carbon; dấu chân carbon sản phẩm; xác minh khí thải nhà kính.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT LeanWares Huỳnh Thanh Trung nhìn nhận ESG như một “visa cho hàng hóa”. Ông cho rằng, thực hành tiêu chuẩn ESG, các doanh nghiệp nên hướng đến làm đúng ngay từ đầu. “Từ đầu”, đó là ngay từ trong ý tưởng kinh doanh, chứ không nên chờ đến khi có nhà máy, có đơn hàng rồi mới quay lại đầu tư theo tiêu chuẩn ESG. Bởi thực tế xây dựng nhà máy ESG từ đầu dễ hơn là cải tạo nhà máy cũ đạt tiêu chuẩn ESG.

Chia sẻ các giải pháp cụ thể có thể hỗ trợ được cho hội viên HAMEE, Quản lý Commercial TUV SUD VietNam Trương Thanh Hoàng, cho biết, có thể cung cấp dịch vụ đào tạo và hướng dẫn phù hợp để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tái chế; kiểm tra và chứng nhận hệ thống; giám định; tư vấn dịch vụ quản trị; thí nghiệm và phòng LAB...

Trong phần thảo luận, các doanh nghiệp tham dự hội thảo đã đặt nhiều câu hỏi cho các khách mời về việc hướng đến các tiêu chuẩn ESG tại đơn vị phù hợp với nguồn lực hiện nay.

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE) cho biết, hiện nay HAMEE có hơn 300 hội viên. Trước những khó khăn thách thức lớn trong hai năm qua, hội và các thành viên đã nỗ lực không ngừng để vượt qua. Năm nay tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm, ngoài việc tìm thêm các đối tác, khách hàng để bù đắp thiếu hụt đơn hàng từ thị trường truyền thống, thì cũng là cơ hội cơ cấu lại, sắp xếp lại doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn lực để vượt qua giai đoạn này, doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế đón cơ hội mới dù cơ hội có thể chưa đến trong ngày một ngày hai.

Tin cùng chuyên mục