Áp dụng khung hình phạt cao nhất nếu núp bóng gây nhiễu loạn hoạt động du lịch

Bên lề cuộc họp sơ kết 6 tháng hoạt động ngành VH-TT-DL, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có những trao đổi thẳng thắn với báo chí về tình trạng doanh nghiệp du lịch núp bóng, hướng dẫn viên du lịch “chui” dẫn tới nhiều hệ lụy gây bất bình trong dư luận tại một số địa phương trong thời gian qua.

Bên lề cuộc họp sơ kết 6 tháng hoạt động ngành VH-TT-DL, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có những trao đổi thẳng thắn với báo chí về tình trạng doanh nghiệp du lịch núp bóng, hướng dẫn viên du lịch “chui” dẫn tới nhiều hệ lụy gây bất bình trong dư luận tại một số địa phương trong thời gian qua.

° Phóng viên: Từ những sự việc vừa qua, một số lãnh đạo ngành du lịch đã thẳng thắn thừa nhận rằng một phần nguyên nhân là do có sự dung túng, tiếp tay của chính những người làm du lịch trong nước. Với tư cách là đơn vị chủ quản ngành du lịch, bộ có biện pháp nào để chấn chỉnh?

° Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN: Theo báo cáo của ngành du lịch thì đúng là có hiện tượng như vậy. Tuy nhiên cần phải tiến hành kiểm tra toàn diện và đồng bộ để có được đánh giá xác thực hơn. Trước mắt, các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành rà soát lại việc cấp giấy phép cho lữ hành quốc tế hoạt động trong nước, xem các lữ hành này đã được cấp phép có đủ điều kiện hoạt động hay không và sau khi được cấp phép thì họ hoạt động như thế nào. Nếu có sai phạm thì họ kiên quyết xử lý theo đúng luật định. Nếu phát hiện có sự dung túng, bao che, tiếp tay để yếu tố nước ngoài núp bóng kinh doanh hoạt động du lịch trái với pháp luật thì chắc chắn tổ chức, cá nhân đó sẽ bị áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc, cao nhất là rút giấy phép.

° Tuần qua, Bộ VH-TT-DL đã cử một đoàn công tác vào trực tiếp làm việc với một số tỉnh miền Trung, nơi được phản ánh là đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, hướng dẫn viên “chui” người nước ngoài làm lũng loạn thị trường du lịch. Bộ trưởng có thể chia sẻ thông tin về chuyến công tác này?

° Trong suốt tuần qua, lực lượng thanh tra đã có nhiều buổi làm việc với những địa phương được coi là điểm nóng về tình trạng hoạt động du lịch núp bóng, hướng dẫn viên “chui” để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, du lịch là lĩnh vực liên ngành, việc xử lý cũng phải có sự kết hợp liên ngành, công an, lao động, công thương, nhất là vai trò của chính quyền địa phương. Tinh thần chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL là rất kiên quyết. Nếu vi phạm thì xử lý hành chính và đề nghị các đơn vị chức năng tiến hành trục xuất.

° Trước đây, có nhiều ý kiến đưa ra là cần thành lập một lực lượng cảnh sát du lịch, song dường như điều này mới dừng lại ở trên giấy tờ?

° Đúng vậy, đề án này được đưa ra một thời gian nhưng chưa được xây dựng hoàn thiện do gặp nhiều vướng mắc. Sắp tới, chúng tôi sẽ khởi động lại dự án này. Không chỉ thế, ngành du lịch cũng đang nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để thị trường du lịch dễ dàng thích ứng với sự thay đổi về số lượng du khách, đi vào hoạt động có nề nếp.

° Một số ý kiến cho rằng việc để du khách ồ ạt đổ dồn về một địa danh sẽ dễ dẫn đến tình trạng “thất thủ”. Vậy chúng ta có nên xây dựng hạn ngạch để lọc bớt du khách, tránh tình trạng quá tải đã xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua, thưa Bộ trưởng?

° Đối với ngành du lịch không chỉ ở Việt Nam mà đặc điểm chung trên toàn thế giới là thu hút được càng đông du khách càng tốt. Câu chuyện hạn ngạch đối với du khách ít được tính đến. Tuy nhiên, song song với việc đón du khách thì các điều kiện dịch vụ khác đi kèm cũng cần phải được xây dựng đồng bộ. Do đặc thù của du lịch là đón khách theo mùa, vì thế, vào mùa cao điểm (như mùa hè, các ngày nghỉ lễ dài) thì lượng khách đông đột biến, nhưng sau đó thì du lịch lại rơi vào tình trạng đìu hiu, ế ẩm. Vì thế, để tránh tình trạng quá tải thì người làm du lịch cũng cần nghiên cứu, tư vấn, định hướng lại để có thể giải tỏa áp lực du lịch trong những đợt cao điểm. Nhưng quan điểm thu hút khách du lịch luôn là mục tiêu lớn cuả ngành.

° So với nhiều nước trong khu vực thì lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam chưa đông, song đã dẫn đến tình trạng quá tải ở một số địa danh du lịch nổi tiếng. Phải chăng sự lúng túng, thiếu hụt hướng dẫn viên du lịch cũng như cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu là do tính dự báo của ngành du lịch quá yếu?

° Đúng là du khách quốc tế đến với Việt Nam một vài năm trở lại đây có tăng nhưng vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 1/3 số khách đến với Thái Lan. Chúng ta luôn mong muốn đón nhiều khách hơn nữa, song thực tế là cơ sở hạ tầng trong nước còn hạn chế, nhiều dịch vụ liên quan khác cũng còn nhiều bất cập yếu kém như giao thông chưa thuận tiện, các sân bay đôi lúc lâm vào tình trạng quá tải, đặc biệt đối với khách sạn thì trong mùa cao điểm, hiện tượng quá tải thường xuyên xảy ra và đi cùng với nó là các dịch vụ đi kèm cũng còn yếu. Tính dự báo chưa tốt là vấn đề ngành vẫn trăn trở trong nhiều năm qua và sắp tới, chúng tôi sẽ nỗ lực đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này.

° Cảm ơn Bộ trưởng!


MAI AN

Tin cùng chuyên mục