Áp thấp nhiệt đới hướng vào vịnh Bắc bộ

  70m quốc lộ 279D bị vùi lấp - Thủy điện miền Bắc bàn giải pháp xả lũ
Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới (cập nhật lúc 21 giờ ngày 14-7)
Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới (cập nhật lúc 21 giờ ngày 14-7)
Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chiều tối 14-7, sau khi di chuyển vào khu vực biển ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa, vùng áp thấp ở biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,8 độ vĩ Bắc và 112,8 độ kinh Đông với sức gió cấp 6, giật cấp 7 - 8.

Dự báo ngày 15-7, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm. Khoảng chiều 15-7, tâm ATNĐ sẽ nằm cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110 km về phía Đông Nam. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ nên ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh) được cảnh báo là từ vĩ tuyến 15 đến vĩ tuyến 19 và từ kinh tuyến 109 trở ra. 

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 14-7 đã có 15 người chết và mất tích. Đến chiều 14-7, nhiều nơi tại miền Bắc vẫn có mưa lớn do ảnh hưởng bởi rìa phía Tây của lưỡi cao áp. Hiện tại, nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở 2.000m3 đất đá núi ở taluy dương khu vực hồ thủy điện Huội Quảng (Mường La - Sơn La), vùi lấp 70m quốc lộ 279D, cắt đứt hoàn toàn hoạt động giao thông vào hồ Huội Quảng. Trên taluy dương của quốc lộ 279D vẫn xuất hiện thêm các vết nứt có thể tiếp tục gây ra sạt lở lớn, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho hồ Huội Quảng. Hiện tỉnh Sơn La đang khẩn trương phá dỡ phần đất đá có nguy cơ sạt lở ở taluy dương, dọn dẹp đất đá tại nền đường, giải tỏa ách tắc, đảm bảo cấp điện liên tục cho hồ Huội Quảng nhưng dự kiến đến ngày 17-7 mới xong.

Do áp thấp đã mạnh lên thành ATNĐ và hướng vào vịnh Bắc bộ nên ngày 14-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương và các công ty thủy điện phía Bắc về công tác điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để bàn giải pháp ứng phó. Theo đó, mực nước hiện nay tại các hồ chứa thủy điện đã ở mức cao hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm. Nhiều nơi, lượng mưa đo được trong vòng 1 tháng lên đến 2.000mm, bằng tổng lượng mưa cả năm. Vì vậy các hồ Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình có thể phải xả lũ trong những ngày tới… Ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Lai Châu, cho biết, dung tích hồ Sơn La hiện nay vẫn còn 3,2 tỷ mét khối, đủ khả năng cắt lũ trong vòng 1 tháng.

Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng việc xả lũ các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất vùng hạ du và an toàn của hệ thống đê bảo vệ đồng bằng sông Hồng. Điều này đòi hỏi công tác điều hành liên hồ chứa và việc xả lũ thượng nguồn phải được tính toán hết sức cẩn thận, tránh ảnh hưởng. Do đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương và chính quyền các địa phương phải thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó mưa lũ khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là phải theo dõi và dự báo kịp thời, chính xác.  

Tin cùng chuyên mục