Cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng ASEAN trong 2 ngày 20 và 21-9 tại Jerudong, Brunei đã quyết định đẩy mạnh kết nối hệ thống năng lượng của khối từ sản xuất đến tiêu thụ, phù hợp với Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Một trong những dự án hoài bão của khối là ASEAN thành lập một khu vực nhập khẩu chung về xăng dầu trong vòng 5 năm tới nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa trao đổi thương mại dầu và khí đốt trong khối. Mạng lưới điện ASEAN (APG) và Hệ thống khí đốt xuyên ASEAN (TAGP) đang được triển khai nhằm giúp khu vực đảm bảo hơn về an ninh năng lượng. ASEAN cũng đang đẩy mạnh mục tiêu tăng cường năng lượng tái tạo và các công nghệ chế tạo năng lượng mới như công nghệ than sạch.
Trên tinh thần đó, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), bà Maria van der Hoeven, đã ký bản ghi nhớ (MOU) về việc IEA giúp ASEAN nghiên cứu và thực hiện các dự án năng lượng của khối.
Tổng Thư ký ASEAN Pitsuwan cho rằng bản ghi nhớ này tạo ra nhiều cơ hội để ASEAN và IEA đẩy mạnh hợp tác nhằm giúp ASEAN sớm hoàn thành các dự án năng lượng của mình. Ngoài ra, các bộ trưởng thống nhất rằng việc phát triển năng lượng hạt nhân tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi thành viên nhưng phải đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử LHQ (IAEA).
Tổng Thư ký ASEAN Pitsuwan cho rằng trong bối cảnh khu vực dầu mỏ Trung Đông bất ổn kéo dài, ASEAN không thể tránh khỏi ảnh hưởng về nguồn cung. Thực tế ASEAN có nguồn năng lượng dồi dào nhưng vẫn phải nhập khẩu. Sắp tới ASEAN phải giải quyết vấn đề này để tiến tới độc lập về năng lượng.
“Đó là mục tiêu lâu dài nhưng ít nhất chúng ta cũng đảm bảo rằng chúng ta có cơ sở để chia sẻ”, Tổng Thư ký Pitsuwan nói. Theo ông, ngay từ bây giờ ASEAN có thể gia tăng tính kết nối, chẳng hạn nối các giếng dầu từ những khu vực khai thác riêng lẻ với nhau hay kết nối giữa các nhà máy lọc dầu, từ vịnh Andaman đến vịnh Thái Lan…
ASEAN là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới do đó nhu cầu năng lượng cũng tăng theo. Năm 2010, tăng trưởng GDP thực tế của ASEAN đạt 7,4% so với năm 2009, trên mức bình quân của thế giới, vài thành viên đạt tăng trưởng GDP ở 2 con số.
Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5,2% từ năm 2007 đến 2030, mức tiêu thụ năng lượng ASEAN tương đương 427 triệu tấn dầu năm 2010 sẽ tăng lên 1.018 triệu tấn vào năm 2030. Bình quân mỗi năm nhu cầu năng lượng của ASEAN tăng 4,4%, mức khá cao so với mức tăng bình quân 1,4% của thế giới giai đoạn 2008-2035 (theo thống kê của IEA). Vì vậy, việc thực hiện APG và TAGP có ý nghĩa hết sức quan trọng để hoàn thành kế hoạch hành động về năng lượng của ASEAN giai đoạn 2010-2015, hướng tới Cộng đồng năng lượng ASEAN vững bền, hiệu quả và sạch hơn.
Để hoàn thành APG, các nước thành viên ASEAN cần kết nối tất cả các mạng lưới điện quốc gia. Các nước có nhu cầu cao về điện có thể nhập khẩu điện để bù vào khoản thiếu hụt với giá phù hợp và những nước dư điện có thể dễ dàng xuất khẩu. Đây được xem là giải pháp các bên cùng có lợi. Ước tính APG cần 5,9 tỷ USD đầu tư nhưng sẽ mang lại lợi ích rất lớn, giảm bớt các khoản đầu tư đơn lẻ cho ngành điện trong từng nước thành viên.
Riêng với TAGP, dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhằm kết nối các đường ống dẫn khí đốt của các nước thành viên ASEAN. Ước tính sẽ có 4.500km đường ống, phần lớn chạy dưới biển trị giá 7 tỷ USD. Hệ thống ống dẫn xuyên khối ASEAN đã tăng từ 815km năm 2000 lên 2.300km năm 2008, trong đó có 8 dự án song phương. Đây là một phần của TAGP.
THỤY VŨ