Trong hai ngày 16 và 17-10 tới tại Milan, Italia sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) với chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”. Đây là sự kiện được mong đợi trong bối cảnh căng thẳng ở nhiều điểm nóng chính trị thế giới ngày càng có những diễn biến mới.
Đảm bảo an ninh để thúc đẩy kinh tế
ASEM 10 sẽ đề cập đến các vấn đề về an ninh tại Afghanistan, tình hình Ấn Độ Dương, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tầm quan trọng của giáo dục. Dự kiến, sẽ có đại diện của các quốc gia thành viên đến từ châu Á và châu Âu tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị để nhóm họp các vấn đề từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và hợp tác giữa các khu vực.
Ngoài đối thoại giữa lãnh đạo các nước, tại ASEM 10 còn diễn ra các cuộc gặp song phương giữa các nguyên thủ quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp. Mục đích là thảo luận ra được cách thức làm thế nào để hàng hóa có thể thông quan nhanh chóng, để hàng hóa của châu Âu vào châu Á nhanh hơn cũng như thúc đẩy du lịch giữa hai khu vực với nhau.
Lãnh đạo Đức, Ukraine và Nga trong một cuộc gặp hồi tháng 6-2014.
Tại sự kiện này, vấn đề Ukraine cũng là một trong những vấn đề quan trọng được đề cập đến. Theo RIA Novosti, Điện Kremlin ngày 10-10 cho biết, nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để thảo luận về tình hình Ukraine. Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bên lề hội nghị.
Tháng 9 vừa qua, cũng tại Milan, các bộ trưởng tài chính và đại diện 49 quốc gia thành viên ASEM đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 11 của ASEM. Chủ đề của hội nghị là “Một liên minh chiến lược mới tạo tăng trưởng bền vững và sinh lợi”. Bộ trưởng Tài chính các nước đã khẳng định sự hợp tác kinh tế giữa châu Âu và châu Á tiếp tục là động cơ chính cho tăng trưởng khu vực và toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, hội nghị kêu gọi doanh nghiệp châu Âu và châu Á, bao gồm cả khu vực tư nhân, tiếp tục củng cố hợp tác khu vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Trong bài phát biểu tại Hội thảo “Châu Á và châu Âu hành động cùng nhau” diễn ra ở Brussels (Bỉ) giữa tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhấn mạnh đến sự phụ thuộc, bổ sung lẫn nhau giữa hai châu lục này trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Châu Âu vẫn đang tiếp tục là một thị trường xuất khẩu chính cho châu Á.
Việt Nam nắm bắt cơ hội hợp tác
ASEM 10 có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam. Trước thềm sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Brussels trong hai ngày 13 và 14-10 để gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Mục đích của những cuộc tiếp xúc là tập trung vào hợp tác kinh tế và thúc đẩy tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Hiện Việt Nam và EU đang ở vòng đàm phán thứ 10 cho FTA trong tương lai. Việt Nam được EU đánh giá rất cao vì với vai trò điều phối trong ASEAN, Việt Nam luôn chú trọng kết hợp lợi ích ASEAN trong bối cảnh là đối tác thành viên của ASEM.
|
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)