
° Hôm đó, Bác Tôn vừa đi tập thể dục sáng mới về. Bác đi vài vòng đường phố thủ đô bằng xe đạp. Bác Tôn đưa hai bàn tay lấm lem nói với chúng tôi: “Xe đạp tuột xích”. Rồi Bác Tôn loay hoay gắn dây sên lại trong mấy phút. Dầu mỡ dính đầy mấy ngón tay, Bác Tôn xin phép đi rửa tay. Bác Tôn tiếp chúng tôi tại bộ bàn ghế giữa nhà khách.

Trong câu chuyện, tôi có thuật lại, hồi năm 1945, những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, đoàn cán bộ tỉnh Long Xuyên đi vận động bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên ở huyện Chợ Mới. Trong đoàn có Trần Thiện Tứ, chị Đinh Thị Tiếu và tôi. Trên đường về, gần nửa đêm, đụng tàu giặc ở Long Xuyên lên, rúc còi inh ỏi. Chúng tôi tấp ghe vào tránh tàu, xin tá túc nhà đồng bào. Sáng ra mới biết đó là cù lao Mỹ Hòa Hưng, quê Bác Tôn. Tôi nhắc lại kỷ niệm xưa,
Bác Tôn bùi ngùi nhớ lại, đã bao nhiêu năm Bác lưu lạc quê người làm cách mạng, chưa một lần trở lại làng xóm quê hương mà nỗi nhớ nhung luôn đau đáu bên lòng Bác. Chúng tôi ngồi hầu chuyện Bác Tôn, thấy mình đang có diễm phúc đối diện trực tiếp với vị anh hùng mấy mươi năm trước đã hiên ngang giương cao ngọn cờ đỏ, chào mừng Cách mạng Tháng Mười Nga trên chiến hạm hừng hực khí thế ở Biển Đen cuộn sóng.
° Lần thứ hai, một mình tôi được gặp Bác Tôn, xin Bác ủng hộ tổ chức cuộc họp mặt số anh chị em đồng hương Nam bộ, lập đoàn đi thăm và ủy lạo các em học sinh miền Nam ở Hải Phòng và Chương Mỹ, Hà Đông không có cha mẹ hoặc thân nhân đi tập kết ra miền Bắc. Bác Tôn cho biết Bác vừa mới đi làm mẫu cho mấy chú điêu khắc làm tượng Bác, theo ý kiến của Bác Hồ. Bác Tôn hoan nghênh ý kiến của tôi tổ chức cuộc họp mặt học sinh miền Nam.
Tôi đọc thấy sự xúc động trong giọng nói ôn tồn, thân thương của Bác Tôn: “Đây là điều cần làm, nhất là ngày cận Tết. Ai đi xa thì nhớ nước, ai đi gần thì nhớ nhà. Đó là tình cảm, là truyền thống của ông bà ta. Ba ngày Tết là ba ngày đoàn tụ gia đình, bà con ruột thịt”.
Bác Tôn ân cần dặn dò tôi, không phải với tư cách người lãnh đạo mà với tư cách là người thân: “Các cháu nhớ nhà cũng như chú nhớ quê Mỹ Hòa Hưng của chú ở giữa dòng sông Hậu. Chú thông cảm và hết lòng chăm nuôi lo dạy các cháu nên người hữu dụng cho đất nước sau này. Chú không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người mẹ của các cháu đang gian khổ đấu tranh sống còn với Mỹ-ngụy ở miền Nam”.
Tôi ghi vào lòng từng lời khuyên của Bác Tôn. Giờ đây, tôi cũng xin thưa với hương hồn Bác Tôn ở cửu tuyền rằng tôi đã làm đúng theo lời Bác dạy.
° Ngày 15 tháng 5 năm 1975, trên lễ đài trước dinh Thống Nhất, mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi vinh dự được tham gia buổi lễ. Trái tim căng phồng tràn ngập niềm vui không thể tả, tôi thấy Bác Tôn ở trong tầm mắt và cảm thấy Bác Tôn cũng nhận ra tôi. Tôi gật đầu chào Bác Tôn nhưng tôi không thể chen đến gần Bác.
Điều làm tôi thỏa mãn là tôi liên tưởng tới ngày Bác Tôn sẽ về thăm xã Mỹ Hòa Hưng yêu dấu.
Đứa cháu từng gặp Bác Tôn ở thủ đô Hà Nội khi nước nhà còn bị chia cắt, đã theo dấu chân Bác Tôn và Bác Hồ trên đoạn đường đấu tranh lấp dòng Bến Hải, nay đã cùng Bác Tôn đi đến đích: Giang sơn đất Việt thu về một mối
DƯƠNG VĂN DIÊU