Bã mía thành sản phẩm thân thiện môi trường

Từ những thứ bỏ đi như bã mía, vỏ tôm cua, 2 bạn trẻ là Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Diễm Thúy (cùng học lớp 11B1 Trường THPT Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã sáng chế thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường.
Duyên và Thúy giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường do 2 em sáng chế từ bã mía và vỏ tôm, cua
Duyên và Thúy giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường do 2 em sáng chế từ bã mía và vỏ tôm, cua

Những lần uống nước mía sau giờ tan trường, Duyên và Thúy có nghĩ bã mía tuy là rác thải nhưng lại chứa hàm lượng lớn cenlulose (thành phần chính trong việc sản xuất giấy), vậy tại sao không tận dụng chế biến thành sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sau gần 1 năm tìm tòi, nghiên cứu với không ít lần thử nghiệm thất bại, sản phẩm ly giấy, túi giấy từ bã mía của 2 em đã được sáng chế thành công với nhiều đặc điểm vượt trội. Đây là sự kết hợp giữa giấy làm từ bã mía và 2 loại màng chống thấm chitosan (một loại polyme sinh học làm từ vỏ tôm), màng tinh bột - PVAc - natriborat (tổ hợp tinh bột).

Sự kết hợp này hoàn toàn do 2 em tự nghiên cứu và chưa được ứng dụng trên thị trường. Bã mía sau khi được sơ chế rửa sạch, phơi khô, khử đường, làm mềm và xay nghiền tạo thành bột giấy. Bột giấy tiếp tục được khử màu và đưa vào môi trường huyền phù tạo ra giấy từ bã mía.

Ngô Diễm Thúy chia sẻ: “Với tham vọng cải tiến chất lượng cho giấy từ bã mía, em và Duyên đang tiếp tục tìm tòi các phương pháp chống thấm. Qua nhiều lần thất bại với nhiều ý tưởng khác nhau từ gạo, bắp… tụi em đã chọn được 2 phương pháp chống thấm phù hợp nhất là màng chitosan được tạo ra từ các loại vỏ tôm, cua và màng tinh bột - PVAc - natriborat”.

Đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giấy từ bã mía có tính năng chống thấm” của 2 học sinh Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Diễm Thúy vừa đoạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2018-2019.

Cô Lê Thị Thu Hồng, giáo viên bộ môn Hóa Trường THPT Phú Bài, người hướng dẫn 2 em thực hiện đề tài này, cho biết: “Để phân hủy được trong môi trường tự nhiên, túi ni lông phải mất từ 200 - 500 năm, còn những chiếc túi làm từ bã mía này chỉ mất 15 - 30 ngày. Trước khi đưa đề tài đi dự thi, các sản phẩm của 2 học sinh Kỳ Duyên và Diễm Thúy đã được kiểm tra rất nhiều lần và kiểm nghiệm tại các cơ sở y tế. Kết quả cho thấy sản phẩm an toàn khi chứa đựng thực phẩm, thức uống, chất lượng vượt trội so với các sản phẩm bán trên thị trường".

"Điểm nổi trội của những sản phẩm được chế tạo từ bã mía, vỏ tôm cua là khả năng kháng khuẩn, kháng nấm và không phát hiện tế bào vi nấm, độc tố gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, với kích thước 10 x 20 x 3cm, chiếc túi giấy từ bã mía có thể đựng được vật nặng khoảng 2kg, trong khi nguyên liệu làm ra rất dễ kiếm, thực hiện đơn giản. Các sản phẩm ly nước, túi giấy mà 2 em tạo ra có giá thành thấp, chỉ 200 - 300 đồng/sản phẩm, có khả năng cạnh tranh với các túi ni lông, ly nhựa đang bày bán trên thị trường, nếu được đưa vào sản xuất trong dây chuyền”, Cô Lê Thị Thu Hồng cho biết thêm.

Thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, chia sẻ sau khi đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giấy từ bã mía có tính năng chống thấm” đoạt giải, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, nhà trường lại kỳ vọng đề tài của 2 em tiếp tục được đầu tư nhiều hơn để sớm đưa vào sản xuất đại trà nhằm lan tỏa ý thức sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và sức khỏe đến tất cả mọi người. Trước mắt, nhà trường sẽ hỗ trợ để Duyên và Thúy đăng ký sở hữu trí tuệ đề tài này.

Tin cùng chuyên mục