Bác bỏ thông tin nhập khẩu ồ ạt chất cấm clenbuterol

(SGGP).- Ngày 27-10, phản ứng trước một số thông tin từ phía Bộ NN-PTNT khi cho rằng tình trạng sử dụng tràn lan các chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như: salbutamol, clenbuterol, kháng sinh... là do Bộ Y tế chưa quản lý chặt chẽ các chất nói trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định thông tin về nhận định trên là chưa chính xác.

Trước đó, tại một hội nghị về việc ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, việc ngành y tế cho nhập 68 tấn clenbuterol dùng trong y tế để sản xuất thuốc cho người là quá nhiều, vượt quá nhu cầu sử dụng và có thể xảy ra việc doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập lậu các chất cấm trên và bán ra thị trường một cách bất chính, nên nhiều người chăn nuôi đã mua trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định, từ đầu năm 2015 đến nay, Cục Quản lý dược mới cho phép nhập 3,5 tấn salbutamol và chỉ những công ty có số đăng ký với các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập khẩu và nhà máy sản xuất thuốc phải đạt tiêu chuẩn GMP mới được sản xuất. Còn với chất clenbuterol (loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid) những năm gần đây cơ quan y tế không cho phép nhập. Do đó việc vẫn phát hiện chất clenbuterol tồn dư trong thịt gia súc, gia cầm cần phải xem xét nguy cơ nhập lậu các loại thức ăn chăn nuôi.

Đại diện cơ quan chức năng của Bộ Y tế cũng cho biết, salbutamol là một trong những loại thuốc nằm trong danh mục những thuốc quan trọng nhất cần cho hệ thống y tế. Việc cho phép nhập khẩu và sử dụng trong y tế là đương nhiên nhằm phục vụ điều trị cho người bệnh, nhưng việc nhập khẩu chất này phải dựa trên nhu cầu sử dụng. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa salbutamol (thuốc độc bảng B) được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược, khám chữa bệnh nên không thể có chuyện thuốc được tuồn ra bên ngoài. Do đó, nguồn salbutamol đang được người chăn nuôi lạm dụng trộn vào thức ăn để kích thích tăng trưởng, tạo nạc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm có thể từ các con đường nhập lậu. Vì thế, để hạn chế việc lạm dụng các chất cấm trên trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT phải xem xét nguy cơ nhập lậu các thức ăn chăn nuôi, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi quy mô lớn.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục