Chương trình sách giáo khoa quá tải

Bài 1: Học xong là... quên!

Bài 1: Học xong là... quên!

“Sự kiện Điện Biên Phủ trên không diễn ra ở Điện Biên chứ ở đâu!”. Một sinh viên (SV) khẳng định chắc nịch trong một phóng sự phát trên VTV 6 mới đây. Một SV khác còn cho rằng sự kiện trên xảy ra ở... Lạng Sơn (!). Chắc hẳn những người làm chương trình truyền hình đã khá sốc khi nhận được câu trả lời khi đưa ra 3 câu hỏi khá đơn giản và mỗi năm đều có tuyên truyền kỷ niệm: “Vị vua cuối cùng của triều Lý?; Sự kiện Điện Biên Phủ trên không diễn ra ở đâu, khi nào?; Ngày 19-12-1946 là ngày gì?”. Ngoại trừ 1 người trả lời đúng câu sự kiện Điện Biên Phủ trên không diễn ra ở Hà Nội, tất cả HS, SV được phỏng vấn trước ống kính truyền hình đều lắc đầu nói “không biết”. Chỉ cần một phóng sự ngắn người thật – việc thật đã vẽ nên một thực tế phũ phàng mà bấy lâu nay xã hội cảnh báo: Kiến thức phổ thông học xong là quên.

Chữ thầy xin trả lại cho thầy

Bài 1: Học xong là... quên! ảnh 1

Nhiều học sinh tranh thủ ôn bài trong giờ ra chơi. Ảnh: DOANH DOANH

“Giờ kiểm tra miệng, em T. được tôi gọi tên lên bảng trả bài. Em nói không suôn sẻ diễn biến các sự kiện, còn ngày tháng đảo lộn tùm lum, ngày chiến dịch Thu Đông thì em gắn cho chiến dịch Điện Biên Phủ…

Bị điểm kém, em T. ấm ức khóc và nói: “Em học mệt quá mà vẫn không thể thuộc bài. Chữ thầy em xin trả lại cho thầy. Mai em nghỉ học chữ, về đi bán hàng cho khỏe thân”. Thầy M., giáo viên môn sử đau xót kể lại một tình huống giáo dục và kết luận: “Ngoài nguyên nhân chủ quan là phương pháp học của em có vấn đề thì nội dung, chương trình SGK quá tải làm khốn khổ nhiều em có sức học trung bình. Các em phải cố “bơi” mới theo kịp chương trình.

Và khi kiệt sức thì HS “buông”, tức là nghỉ học. Nhiều em khi kiểm tra đạt điểm 9, 10 nhưng chỉ cần qua một thời gian không đụng đến kiến thức cũ là quên tuốt luốt. Trong khi đó, phụ huynh HS thì luôn xót xa “con em chúng ta học cực quá” khi bất kể ngày hay đêm, HS đều phải chúi mũi vào việc học; thậm chí giờ nghỉ giải lao mà các em vẫn kè kè tập, sách bên mình. Hình ảnh ấy đập vào mắt chúng tôi thật xốn xang.

Giờ ra chơi ở Trường THCS Đức Trí, quận 1, giữa những tiếng ồn như vỡ chợ, có rất nhiều em vẫn cặm cụi học. Ngay dãy hành lang gần phòng cô hiệu trưởng có 4, 5 HS ngồi bệch dưới nền gạch bông cùng ôn bài với nhau. Một HS tên Thảo cho biết: “Em đang coi lại bài môn địa lý. Tối qua em học rồi mà giờ lại quên mất. Bài dài mà không có ứng dụng gì cho thực tế”.

Em Vũ Thùy Linh, HS lớp 9 của một trường THCS có tiếng của quận 1, viết thư bày tỏ: Trong năm học qua em đạt danh hiệu HS giỏi. Nhưng môn em tiếp thu khó khăn nhất là môn sử. Em không thể nhớ ngày và những sự kiện, dù em đã khắc phục bằng cách gắn kết các ngày tháng với những ngày đặc biệt nhưng vẫn không thể nhớ hết. Em cần sự giúp đỡ về mặt tinh thần từ phía thầy cô và gia đình. Hãy giúp em có được một tinh thần thoải mái để “chiến đấu”, đừng gò bó và gây áp lực cho em…

Xót xa thay, lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì các em lại căng thẳng và ví việc học như ra… chiến trường.

“Trông người lại xót đến ta”

Năm 2005, Tilly, một bé gái người Anh 10 tuổi, nhìn bọt sóng cuộn lên, những đợt sóng bất ngờ đổ dồn mà dự đoán được thảm họa sóng thần sắp xảy ra. Bài học lý thuyết áp dụng vào thực tế của em đã cứu được hàng trăm người thoát chết ở đảo Phuket, Thái Lan.

Chương trình của các nước tiên tiến thật ra cũng không hề nhẹ nhàng nhưng cái hay của họ là HS học đâu nhớ đấy. Anh Ninh Nguyễn, một Việt kiều ở California cho biết “Chương trình lớp 5 của Mỹ chỉ có 4 môn: toán, khoa học thường thức, lịch sử và văn (writing). Ở môn toán không có những bài phức tạp, chỉ bao gồm cộng trừ, nhân chia, phân số … Ở môn khoa học, HS được học về vũ trụ, thái dương hệ, ngôi sao, mặt trăng, điện tử, đất đá, khoáng chất…

Trong môn khoa học, HS phải làm từ 2 đến 3 dự án. HS phải lấy tư liệu trên Internet, thư viện để nghiên cứu, viết tóm tắt lại, vẽ hình, cho ví dụ và dẫn tất cả tư liệu HS tìm ra vào một tấm bảng giấy to bằng nửa cái giường ngủ và mang vào trường nộp. Con tôi đã từng làm một dự án về điện có chủ đề “Vì sao bóng đèn điện lại cháy sáng”. Cháu phải vẽ hình mạch điện, giải thích, dẫn chứng bằng 2 sợi dây, một cục pin, một bóng đèn nhỏ, 2 cái kẹp có răng trình bày cho thầy và các bạn thấy phải kẹp làm sao cho bóng đèn chiếu sáng.

Ngoài ra, HS còn làm dự án về các loại đá, chúng được lấy từ lục địa nào, ở trên mặt đất hay nằm sâu dưới đất. Nếu nằm sâu dưới đất thì làm sao lấy lên?… Mỗi ngày HS đều phải làm bài quiz trên lớp (dạng kiểm tra ngắn) với khoảng 10 – 20 câu hỏi.

Mỗi buổi các em học đánh vần, học nghĩa của 20 từ. 20 từ này đồng nghĩa, trái nghĩa với từ nào mà các em thường thấy trong sách vở. Giáo viên yêu cầu HS thực hành viết 20 câu có sử dụng 20 từ vừa mới học. Thứ 6 hàng tuần, HS sẽ được test (kiểm tra) tất cả những từ đã học trong 5 ngày qua.

Mỗi thứ 4 hàng tuần, HS có nhiệm vụ lang thang trên Internet, tìm một tin tức mới nhất trong ngày các em quan tâm. Sau khi đọc xong, HS phải viết bài tóm tắt nói rõ lý do vì sao em thích tin đó, HS có thể rút ra kinh nghiệm như thế nào hay sẽ hành động ra sao để giải quyết vấn đề nếu HS có điều kiện hay ở trong hoàn cảnh đó.

Mỗi khóa học các em được đi thực tế 3 – 5 lần: viện bảo tàng, tu viện, sở thú, viện hải dương học… Sau khi tham quan về, HS phải viết bản tóm tắt nêu cảm tưởng và học hỏi được điều gì từ chuyến đi. Kể ra một ngày học, buổi sáng có mặt ở trường lúc 8 giờ 5 phút và tan trường vào 14 giờ 30 cũng không phải nhẹ nhàng.

Trong khi đó, HS lớp 5 của chúng ta học đến 10 môn: toán, tiếng Việt, địa lý, lịch sử, khoa học, nhạc, họa, thể dục, đạo đức, kỹ thuật. Ở bậc THPT, HS các nước tiên tiến chỉ học 6 môn, còn HS chúng ta “gánh” đến 14 môn. Chưa kể, với 45 phút/tiết học, thầy trò phải “chạy đua” với thời gian thì còn nói gì đến sáng tạo của thầy, phát huy tính tích cực của HS. 

HỒNG LIÊN

Tin cùng chuyên mục