Tài sản trong vụ án Minh Phụng, Epco - Đi về đâu?

Bài 1: Hơn 100.000m2 đất Vũng Tàu rơi vào tay người đàn bà… không vốn

Bài 1: Hơn 100.000m2 đất Vũng Tàu rơi vào tay người đàn bà… không vốn

Bản phụ lục kèm theo bản án hình sự Phúc thẩm số 05/HSPT của Tòa Phúc thẩm, TANDTC ngày 12-1-2000, tuyên phần thi hành án (THA) dân sự bao gồm 400 tài sản của Minh Phụng, Epco phải thu hồi để trả cho các cá nhân và tổ chức lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, khối tài sản khổng lồ này thời gian qua đã được mua bán như thế nào? Ngân sách nhà nước và tài sản của các cá nhân thu hồi được đến đâu? Ai thực sự hưởng lợi? Đó là những vấn đề được đặt ra qua loạt bài điều tra sau đây… 

Chỉ riêng tại Vũng Tàu (tỉnh BR-VT), diện tích đất được kê biên, phát mãi là gần 2 triệu m2. Ai được mua và việc mua bán diễn ra như thế nào?

Tay không bắt...… 59.000m2

Bài 1: Hơn 100.000m2 đất Vũng Tàu rơi vào tay người đàn bà… không vốn ảnh 1

6 lô đất mang ký hiệu A82, A83, A84, A85, A88 và A89 có diện tích 59.745m2 thuộc tài sản thế chấp của nhóm Minh Phụng được tòa tuyên giao cho Ngân hàng Công thương Việt Nam quản lý, khai thác, phát mãi để thu hồi nợ.

Từ tháng 1-2003 đến tháng 8-2004, THA Dân sự tỉnh BR-VT đã hoàn tất việc bàn giao các lô đất này cho chi nhánh Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Vũng Tàu (QLN-KTTS) – thuộc Ngân hàng Công thương Việt Nam để nơi đây tiến hành bán đấu giá.

Ngày 1-6-2005, chi nhánh Công ty QLN-KTTS có Quyết định 49/QĐ-2005 đưa 6 lô đất này ra bán đấu giá công khai. Hơn 20 ngày sau, phiên đấu giá chính thức được diễn ra, nhưng người tham gia chỉ có bà Lưu Thị Hồng Loan (địa chỉ thường trú 28 Yên Bái, TP Vũng Tàu) và Công ty CP Thương mại và đại lý Dầu BR-VT.

Phiên đấu giá này được coi là kỷ lục về thời gian – chưa đầy 5 phút, từ khi ra giá, trả giá, đến lúc kết thúc. Bà Loan, sau khi thông báo con số trả giá 32.889.750.000 đồng và chỉ đợi bên kia là Công ty CP Thương mại và đại lý Dầu BR-VT lắc đầu sau 3 lần thông báo (mỗi lần sau 30 giây)… là trúng giá. 6 lô đất mà bà Loan trúng giá chỉ chênh lệch so với giá đưa ra ban đầu là 30 triệu đồng (32.889.750.000đ / 32.859.750.000đ), tương đương với 551.000 đồng/m2.

Để có tiền nộp cho QLN-KTTS như hợp đồng đã ký, bà Loan huy động 29 cá nhân và tổ chức đóng hơn 10 tỷ đồng tham gia dự án. Trong các hợp đồng cũng như thỏa thuận, các cá nhân và tổ chức này phải trả cho bà Loan giá đất từ 1,3 đến 1,7 triệu đồng/m2 – cao hơn giá đấu giá đến 2, 3 lần.

Dù mới chỉ trả cho QLN-KTTS bằng 43% giá trị của các lô đất, bà Loan đã tiến hành cho khách hàng bốc thăm để san ủi, phân lô. Để “hợp thức hóa” việc làm này, bà Loan đã móc nối với một số cán bộ của UBND TP Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và phê duyệt Dự án Khu nhà ở Chí Linh. Các thủ tục này chỉ diễn ra trong… 4 ngày.

Có hay không có sự tiếp tay trục lợi?

Ai đã “giúp sức đắc lực” cho bà Loan thực hiện thắng lợi thương vụ đấu giá trên? Theo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo THA tài sản vụ án Minh Phụng – Epco (Bộ Tư pháp), người lập “công đầu” trong việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt Dự án Khu nhà ở Chí Linh – khi chưa được giao đất, chưa được chuyển QSDĐ và tiến hành các thủ tục này một cách chóng vánh như trên là Trưởng phòng Xây dựng và Quản lý đô thị TP Vũng Tàu Nguyễn Sỹ Đáng.

Cùng với Công ty QLN-KTTS (nơi đã xác nhận bà Loan có đủ điều kiện tham gia đấu giá nhiều tài sản, trong khi bà Loan không có khả năng tài chính và năng lực thực hiện dự án), ông còn giúp sức cho bà Loan trúng giá ở 4 phiên đấu giá khác, với tổng số tài sản gồm 1 căn nhà và 7 lô đất có diện tích 58.644m2 – đều ở vị trí “đắc địa”, nhưng chỉ mua với giá trúng giá là 35,149 tỷ đồng, thấp hơn từ 2 đến 3 lần giá thị trường ở thời điểm mở các cuộc đấu giá (Đó là: căn nhà 242 Lê Lợi, phường 7, TP Vũng Tàu; 2 quyền sử dụng đất tại số 2E, quốc lộ 51A có diện tích 5.463m2 và lô 10.000m2 phía sau nhà 2E; 1 quyền sử dụng đất diện tích 9.323m2 tại số 16 Lê Hồng Phong, phường 8 và 4 quyền sử dụng đất tại các lô từ A92, đến A95 là 33.858m2 tại khu Chí Linh).

Để tự “thưởng công”, ông Đáng đã gây áp lực buộc bà Loan phải cắt ra 4.000m2 trong phần 6 lô đất có diện tích 59.745m2 mà bà Loan trúng giá được ông “phù phép” đo vẽ thành… 65.120m2 (dôi ra gần 7.000m2), cho ông. Mặc dù chưa có sự thỏa thuận của bà Loan, nhưng ngày 13-7-2005, ông Đáng đã tự áp giá và trực tiếp mang nộp 140 triệu đồng cho QLN-KTTS (tương đương 35.000 đồng/m2).

Phạm Hoài Nam

Vụ tiêu cực tại Cơ quan thi hành án dân sự TPHCM
Các chấp hành viên thi hành án đã có dấu hiệu của tội “Ra quyết định trái pháp luật”

Ngày 7-9, theo nguồn tin riêng của Báo SGGP: Ngày 6-9, Công an TPHCM đã gửi báo cáo đến Thường trực Thành ủy và các cơ quan liên quan về kết quả điều tra ban đầu việc vi phạm pháp luật trong thi hành án (THA) vụ án Epco – Minh Phụng tại THA Dân sự TPHCM.

Quá trình điều tra cho thấy, chấp hành viên Bùi Liên Hiệp và Trưởng THA Dân sự TPHCM Lương Vĩnh Phúc, đã có dấu hiệu làm trái với bản án phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-1-2000 của Tòa Phúc thẩm, TANDTC tại TPHCM, ra quyết định THA không báo cáo cơ quan có thẩm quyền và tham gia THA trái pháp luật.

Việc THA Dân sự TP ban hành các quyết định trái pháp luật này, đã tạo điều kiện cho các hộ dân “chuộc” lại hơn 30.000m2 đất mà Công ty Epco (Epco) đầu tư tại phường An Phú (quận 2), gây thiệt hại cho Epco và Ngân hàng Công thương, Chi nhánh TPHCM gần 9 tỷ đồng. 

Tin cùng chuyên mục