Nghiên cứu khoa học tại các trường đại học

Bài 1: Nghiệm thu ngon lành, ứng dụng không nổi!

Bài 1: Nghiệm thu ngon lành, ứng dụng không nổi!

Kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) về việc quản lý tài chính tại 8 trường đại học (ĐH) tại TPHCM cho thấy những số liệu… giật mình: Tính đến cuối năm 2004, tại 8 trường (ĐH Quốc gia, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật…) có 414/612 đề tài khoa học (chiếm 67,6%) quá hạn từ 1 đến 7 năm chưa được nghiệm thu, kinh phí tồn đọng 35 tỷ đồng.

Trong đó, có khoảng 100 đề tài đã nhận kinh phí nhưng không hề thực hiện từ nhiều năm qua. Ngay cả các công trình đã nghiệm thu thì hầu như không thể ứng dụng. Vì sao?

  • Công trình nghiên cứu: Chỉ có thể... trưng bày!

Cách đây 4 năm, công trình nghiên cứu máy đốt rác y tế của nhóm nhà khoa học ở một trường ĐH thành công đã đem lại hiệu quả kinh tế bất ngờ: giá thành sản xuất chỉ 500 triệu đồng/máy, rẻ hơn nhiều lần máy của Áo (khoảng 8 tỷ đồng). Công trình được hội đồng nghiệm thu nhận xét là tuyệt vời.

Bài 1: Nghiệm thu ngon lành, ứng dụng không nổi! ảnh 1

Sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên trong buổi thực hành. Ảnh: MAI HẢI

Những tưởng từ thành công trên, ngành y tế sẽ giải quyết được vấn đề nan giải là xử lý được một trong những thứ rác độc hại. Nhưng thực tế ngược lại. Dù giá thành rẻ, các yếu tố kỹ thuật được đánh giá cao, nhưng từ đó đến nay, chiếc máy đốt rác y tế này vẫn chưa được bệnh viện lớn nào sử dụng. Sau khi kiểm tra, nhiều nhà khoa học nhận định: Máy chỉ chạy ngon lành khi… biểu diễn, còn đưa vào sử dụng thì… “còn nhiều cái để bàn”.

Chuyện “nghiệm thu ngon lành nhưng ứng dụng không nổi” là chuyện bình thường trong nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH. Công trình nghiên cứu chế tạo máy sản xuất bánh tráng của Khoa Cơ khí ĐH Bách khoa TPHCM được đánh giá là thành công và chuyển giao công nghệ với giá thành chưa đến 500 triệu đồng, trong khi đó máy nhập từ nước ngoài đến 110.000 USD.

Một công ty chế biến thực phẩm tại TPHCM hào hứng mua về chạy thử, nhưng chưa hết thời gian thử nghiệm máy đã làm tiêu hao một mớ nguyên liệu của công ty vì thành phẩm làm từ máy không đạt chất lượng. Chiếc máy sản xuất bánh tráng này phải nằm lại một chỗ cho bụi phủ, chờ một công trình nghiên cứu khác… khắc phục thiếu sót của công trình này.

Tương tự, “Hệ thống điều khiển các thiết bị từ xa và cảnh báo sự cố (báo trộm và cháy) thông qua đường dây điện thoại” của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được nghiệm thu với kết quả tốt, giá rẻ bất ngờ (3 triệu đồng/chiếc) và được người tiêu dùng đặt hàng. Nhưng chẳng bao lâu sau khi sản phẩm được sử dụng, chủ nhiệm đề tài đã phải bay ra Hà Nội để khắc phục sự cố chập mạch điện.

Tuy nhiên sự cố này không thể giải quyết được do các linh kiện được mua giá rẻ từ chợ Nhật Tảo, nếu muốn thay đổi linh kiện tốt hơn, giá thành sẽ đắt hơn gấp nhiều lần. Cuối cùng, sản phẩm này đành rời thị trường trở về làm… mô hình ở phòng thí nghiệm.

  • Nhận đề tài xong... cho vào tủ khóa!

Hiệu trưởng một trường ĐH ngán ngẩm nói: “Các đề tài nghiên cứu ứng dụng tuy hiệu quả chưa cao nhưng dầu sao cũng còn có chỗ để đánh giá. Còn các đề tài nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thì… vô phương!”. Theo ông, công trình nào tên gọi cũng “cao vòi vọi”, nhưng kết luận đưa ra sau nghiên cứu thì chỉ chung chung, đặt ở không gian nào cũng được. Các kết luận thiếu yếu tố thực tiễn cụ thể để có thể sử dụng được cho các cộng đồng địa phương, thậm chí không nêu được cả thứ tự ưu tiên trong các giải pháp.

Mặc dù chưa có trường ĐH nào thống kê con số cụ thể về tỷ lệ công trình nghiên cứu ứng dụng được chuyển giao công nghệ đạt bao nhiêu phần trăm, nhưng tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nơi có nguồn thu từ chuyển giao công nghệ hàng năm “đáng nể” so với các trường ĐH khác, tỷ lệ chuyển giao công nghệ trên tổng số công trình nghiên cứu cũng chỉ đạt khoảng 10%. Tỷ lệ này lại là một khoảng cách quá lớn đối với các khối trường xã hội như ĐH KHXH-NV, ĐH Kinh tế TPHCM…

Xã hội luôn đòi hỏi đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đóng góp cho nền khoa học những công trình chất lượng, đi vào thực tiễn để rút ngắn khoảng cách khoa học công nghệ với các nước. Bên cạnh đó, mâu thuẫn khổng lồ đang diễn ra giữa nhu cầu đưa khoa học vào đời sống và thực trạng đời sống của giảng viên ĐH. Thực tế tại tất cả các trường ĐH, phần lớn thời gian của các giảng viên ĐH chủ yếu chỉ dành cho giảng dạy để cải thiện thu nhập. Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng các đề tài khoa học tại các trường thường xuyên bị tồn đọng và kéo dài “lê thê” từ năm này sang năm khác.

Nhìn vào bảng danh sách đề tài nợ của một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, chúng tôi không khỏi giật mình: “Dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ - trọng điểm quốc gia: Nghiên cứu hoàn thiện, sản xuất thử và triển khai ứng dụng bộ phận mềm hệ thống thông tin quản lý cho các doanh nghiệp ngành may” được thực hiện từ năm 2001 đến 2002 có kinh phí 250 triệu đồng, chưa được nghiệm thu; đề tài “Nghiên cứu triển khai kỹ thuật vi xử lý trong một số ngành nhựa và da giày”, kinh phí 30 triệu đồng từ ngân sách, thực hiện từ 1996 đến 1997 đến nay vẫn chưa xong; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng CAD/CAM - lập quy trình công nghệ cho các sản phẩm giày, dép”, thực hiện từ năm 2000 đến 2001, kinh phí 15 triệu đồng, đến nay chưa nghiệm thu…

Để giải quyết tình trạng nợ đọng, một số tác giả cho biết sẽ… hoàn trả lại kinh phí cho nhà nước, dù kinh phí đó nhận từ cách đây 10 năm.

Một quy định ra đời cách đây gần 20 năm về chế độ làm việc của cán bộ giảng dạy ĐH của Bộ ĐH và THCN (Quy định 1712 của Bộ ĐH và THCN) quy định rất rõ: Nhiệm vụ cơ bản của cán bộ giảng dạy đại học là giảng dạy, nghiên cứu và thực nghiệm khoa học kỹ thuật. Thời gian dành cho công tác giảng dạy được quy ra giờ chuẩn của một giáo sư là từ 290 đến 310 giờ/48 tuần/năm học, phó GS: 270- 290 giờ, giảng viên: 260 đến 280 giờ, còn thời gian dành cho công tác nghiên cứu và thực nghiệm khoa học kỹ thuật của một GS là 500 giờ/năm, phó GS: 450 giờ; giảng viên: 350 giờ...

LINH AN

Tin cùng chuyên mục