Tượng đài Bác trong lòng người dân thành phố
Nhắc đến việc xây dựng tượng đài Bác Hồ, tại cuộc họp vào tháng 4-2014 của Ban Bí thư, trong phần kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn tập thể Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM: “Việc làm tượng là khó, làm tượng đài về Bác càng khó bởi ai cũng biết Bác, nhưng làm Tượng đài Bác Hồ tại TPHCM càng khó hơn rất nhiều”. Đó cũng là vinh dự và trọng trách lớn của những điêu khắc gia khi quyết định gửi tác phẩm dự thi.
Người dân TPHCM tham quan mẫu phác thảo Tượng đài Bác Hồ.
Bác đã về trong ngày vui đại thắng
Theo điêu khắc gia Võ Công Chiến, trong mắt ông cũng như những người con đất Việt, Bác Hồ là một nhân cách lớn, một vĩ nhân ẩn mình trong phong thái bình dị rất Việt Nam. Theo ông, tượng đài Bác Hồ ngoài việc phải đảm bảo những tiêu chí nghiêm ngặt mà TP phổ biến, còn phải thể hiện được sự phong phú đa dạng, tưởng chừng đối lập nhưng lại hội tụ, kết hợp hài hòa trong tính cách của Bác - một Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới - bình dị mà vĩ đại, nhanh nhẹn phơi phới mà trầm tĩnh ung dung, giản dị mà sâu sắc, mạnh mẽ mà dịu dàng, lớn lao uy dũng mà không xa cách, rất thân ái, cuốn hút, dễ gần với mọi người. “Với tình cảm kính trọng, ngưỡng mộ đối với Bác, nhân dân luôn đòi hỏi chúng ta phải có tượng về Bác hoàn mỹ hơn nữa, xuất sắc hơn nữa. Đó cũng chính là áp lực rất lớn với những người làm điêu khắc như chúng tôi”, nhà điêu khắc Võ Công Chiến nói.
Cùng chung nhận định đó, nhà điêu khắc Nguyễn Bá Đua (Hà Nội) khẳng định: “Người dân đối với Bác yêu kính vô cùng nên ai cũng có kỳ vọng riêng và thật khó để các nhà điêu khắc đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy. Tôi cũng như anh em điêu khắc tham gia thi tuyển đều cố gắng hết sức thể hiện, chuyển tải sự cảm nhận, tình yêu, sự kính trọng ấy đối với Người qua tác phẩm cụ thể mà thôi”. Nhìn dòng người đến chiêm ngưỡng tượng đài trong những ngày trưng bày lấy ý kiến nhân dân và trong những ngày tham gia dự thi phác thảo tượng đài Bác, ông Nguyễn Bá Đua xúc động, có thể cảm nhận được rõ chiều cao, bề rộng của tượng đài không phải bằng thước tấc, mà bằng tình yêu Tổ quốc lớn lao và lòng tự hào dân tộc vô bờ của mỗi người con đất Việt nói chung, người dân TPHCM nói riêng với Bác, với đất nước.
Với nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, tượng đài Bác đã được chọn có những ý nghĩa rất đặc biệt, đồng cảm cùng nhiều người dân TPHCM như ông. Đó là cái vẫy tay chào của Bác thể hiện sự mong mỏi của Người một lần về miền Nam, về nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước và cũng là lời chào của Người với miền Nam trong mùa xuân đại thắng. Đó là vẫy tay chào, cảm ơn bạn bè năm châu đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đó là cái vẫy tay chào, kêu gọi thế hệ trẻ TPHCM ra sức phấn đấu, xây dựng TP giàu đẹp...
Đi thực tế tại những nơi gắn với Người
Những người có tác phẩm vào vòng trong đã được TPHCM tổ chức chuyến đi thực tế những địa điểm cách mạng gắn liền với Người.
Ông Võ Công Chiến kể: “Tôi được vào vòng trong của cuộc thi nên đã được đi thực tế, được đi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu nhà sàn Bác Hồ, các khu di tích về Bác. Đây là một cơ hội lớn trong cuộc đời và qua chuyến đi thực tế, được tận mắt nhìn những nơi Bác từng sinh sống, làm việc, những vật dụng Bác đã từng sử dụng, đi trên những con đường trải sỏi Bác từng đi, biết bao cảm xúc dâng trào về một lãnh tụ vĩ đại, một nhà yêu nước kiệt xuất, một danh nhân văn hóa, sâu sắc, uyên bác thông tuệ mà bình dị biết chừng nào”.
Cùng chung cảm nhận ấy, là một trong 3 nhà điêu khắc có tác phẩm lọt vào vòng trong, ông Nguyễn Bá Đua cảm động cho biết: Cảm xúc thật đặc biệt! Cho dù tác phẩm của tôi không được chọn nhưng tôi vẫn rất mãn nguyện. Nhìn ngắm chân dung Bác, những hình ảnh về Bác, xem những thước phim tư liệu về Người ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích K9, Khu di tích Nhà sàn Bác, có lẽ ai cũng vậy, đều có cảm giác lạ kỳ về Tổ quốc luôn gần bên ta và ý thức sâu xa hơn trách nhiệm của mỗi người trong giữ gìn từng tấc đất quê hương.
| |
HỒNG HIỆP - MẠNH HÒA
- Bài 1: Linh hồn của thành phố Hồ Chí Minh