Hàng đa cấp bủa vây sinh viên
Chúng tôi đã đặt vấn đề với những người làm công tác hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu tâm lý về câu chuyện các bạn trẻ hiện nay coi bán hàng đa cấp như thứ “thần dược” để làm giàu nhanh chóng. Và câu trả lời chúng tôi nhận được là những cảnh báo với việc người trẻ say mê bán hàng đa cấp: Các bạn trẻ hãy suy nghĩ, tìm hiểu kỹ lưỡng xem bán hàng đa cấp thực chất có phải là cái bẫy hay chiêu trò đưa bạn vào bẫy, để có quyết định sáng suốt.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Ảo tưởng
Chúng ta phải có một cái nhìn đúng về bán hàng đa cấp, vì thực chất nó không xấu, vẫn được Nhà nước cho phép hoạt động và nếu làm đúng luật, thì đó là bán hàng tích cực. Tuy nhiên, ở Việt Nam có nhiều công ty bán hàng đa cấp yêu cầu mọi người đóng trước một khoản tiền tạm ứng mới được bước vào hệ thống kinh doanh. Các bạn sinh viên phải cảnh giác với điều này bởi nhiều trường hợp, họ sẽ lấy tiền của bạn trước và bỏ mặc bạn có bán được hàng hay không.
Một vấn đề nữa là việc làm giàu. Mong muốn được giàu có, sung túc thì các bạn trẻ phải hiểu rằng làm giàu là việc không dễ dàng, chẳng khác gì mua vé số, vì để trúng vé số xác suất cực kỳ nhỏ. Và hầu như tất cả các doanh nhân thành công trong xã hội này đều trải qua một thời kỳ rất vất vả, khó khăn. Qua nhiều công việc khác nhau, bạn trẻ phải đối đầu với những khó khăn, thất bại; phải rèn luyện và kiên trì học tập kinh nghiệm mới đủ bản lĩnh để làm giàu một cách chính đáng. Các bạn đừng vội tin vào những lời dụ dỗ về việc làm giàu một cách nhanh chóng. Trên đời này không có gì dễ dàng cả, nhất là việc kiếm tiền. Ngoài ra, bạn trẻ cũng đừng bị ám thị bởi những khẩu ngữ, vẻ bề ngoài rất chỉn chu với những bộ trang phục sang trọng của những người giới thiệu bạn vào con đường bán hàng đa cấp. Bạn phải tìm hiểu xem sự thật đằng sau đó là gì? Nhiều bạn sinh viên hay bị ấn tượng bởi những bạn đồng trang lứa có mức thu nhập hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhưng thực tế nhiều người trong số họ vẫn đi xe đạp, vẫn ăn mì gói, vẫn chỉ có bộ quần áo đó… Họ chỉ có khẩu khí như vậy thôi, chứ thực tế nhiều người chưa đạt được những thành công trong cuộc sống như lời giới thiệu.
Đặc biệt, khi bạn bị mời gọi mua những món hàng giá cao so với thực tế thì đó là một “thủ thuật”, giống như người ta đẩy một “cục nợ” về cho bạn. Bạn bỏ ra một số tiền quá lớn để mua thì bạn không thể sử dụng hết, bạn đẩy “cục nợ” này sang cho người khác. Cho nên bạn dễ bất chấp những mối quan hệ để thu lại được số tiền của mình. Lúc đó, bạn không chỉ có thể mất tiền mà mất luôn nhiều mối quan hệ, bạn bè, người thân ngày càng xa lánh. Tóm lại, thay vì ảo tưởng với khát vọng làm giàu đó các bạn nên trau dồi kỹ năng và chuyên môn của bản thân. Hãy học quản trị kinh doanh hay đi tìm những ý tưởng khởi nghiệp ở bên ngoài sẽ bền vững, tốt hơn là ngồi ở trong những buổi hội thảo hô hào làm giàu nhanh chóng đó. Những buổi hội thảo đó đưa lại nhiều cảm xúc nhưng lại không phải nền tảng thực tế.
Nhân viên công ty bán hàng đa cấp đang “khai sáng”con đường làm giàu tại một hội thảo
Luật sư Vĩnh Đại, Văn phòng Luật sư Phú Lâm: Tìm hiểu kỹ bản chất công việc
Dưới góc độ pháp luật, các công ty đa cấp không vi phạm về luật lao động. Đối tượng họ tuyển dụng đã đủ tuổi để tự quyết định được hành vi của mình, trừ khi doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động mới vi phạm pháp luật về sử dụng lao động. Luật cũng cho phép các thành viên được đặt cọc hoặc góp vốn, do đó không có cơ sở để kết tội các công ty đa cấp khi họ “chiêu dụ” nhân viên bỏ tiền ra mua sản phẩm. Tuy nhiên, ngoài về lý thì trong kinh doanh còn có cái gọi là đạo đức kinh doanh, hầu hết những công ty đa cấp không để ý đến phương diện này.
Trở lại việc các công ty đa cấp đang “vươn vòi” khắp nơi thì chỉ có thể cảnh báo với người dân, đặc biệt là các bạn sinh viên, hãy tỉnh táo để nắm bắt và sàng lọc thông tin, dù công việc gì cũng cần hiểu rõ bản chất của công việc trước khi quyết định làm.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM: Hãy học làm giàu hợp lý
Với công việc thường xuyên tiếp xúc sinh viên, hỗ trợ việc làm cho các em, tôi thấy chủ yếu những em tham gia mạng lưới đa cấp là sinh viên mới vào trường, chưa có kinh nghiệm, chưa va chạm nhiều với môi trường việc làm bán thời gian ở TPHCM. Hơn nữa, các bạn dễ bị những người đang làm trong các nhóm đa cấp dụ dỗ, bởi thường người mời các bạn vào là người thân với mình. Đó có thể là bạn bè chung lớp, chung trường, người thân trong gia đình. Họ luôn rất chỉn chu, hào phóng khi chiêu dụ các bạn và tận mắt các bạn thấy rằng trước đây họ cũng như mình mà nay giàu có, không phải cực nhọc kiếm từng đồng bạc lẻ, mà chỉ suốt ngày đi chơi, tham gia hội thảo ở những nơi sang trọng, lịch sự và đi du lịch. Do đó, các bạn ảo tưởng rằng mình cũng sẽ làm được như vậy và dễ dàng đồng ý tham gia mạng lưới đa cấp.
Theo tôi, việc định hướng cho các bạn không phải ngày một ngày hai mà đó là cả một quá trình, từ gia đình đến nhà trường và cộng đồng giúp các bạn sinh viên tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, phong trào đoàn - hội. Tại TPHCM cũng có những tổ chức đoàn - hội, có Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, nơi ươm mầm cho các bạn sinh viên, bạn trẻ có đam mê và ý tưởng làm giàu. Hãy tìm đến những nơi này để học cách kiếm tiền, làm giàu hợp lý, chính đáng.
THU HƯỜNG - VÕ THẮM
>> Bài 1: “Khai sáng” con đường làm giàu