
Phía sau mặt trời
Tôi biết Trần Thế Tuyển lúc ông vừa từ Trung đoàn 174, Sư đoàn bộ binh số 5 về phục vụ tại báo Quân khu VII. Gọi là biết cho “sang” vậy thôi, thực ra sinh hoạt chung trong phòng tuyên huấn, nhưng tôi ít có dịp gặp ông. Ông thường xuyên xuống công tác dưới đơn vị, còn tôi thì lang thang ngoài mặt trận. Tôi gặp ông trong văn chương nhiều hơn là ngồi tào lao xích đế với ông.
* * *

Phải nói một cách công bằng rằng văn chương của Trần Thế Tuyển ít có sự dị biệt, tung tẩy của chữ nghĩa, nhưng có thừa sự dung dị, đằm thắm, thủy chung. Thơ ông thuyết phục người đọc ở sự gần gũi chân thành. Ông viết về quê hương, đồng đội, về những người thân yêu của mình - những người mà vì họ, ông có thể sẵn sàng chết.
Mới đây, Trần Thế Tuyển gởi cho tôi tập trường ca đầu tiên của ông có tựa đề Phía sau mặt trời(*). Cầm tập trường ca, tôi đọc liền một mạch.Tôi thực sự xúc động và bị lôi cuốn bởi nguồn cảm xúc dâng trào trong lời thơ của ông. Nội dung tập trường ca viết về thân phận một đứa trẻ có cội rễ nông dân lớn lên trên quê hương nghèo khó, rồi trở thành người lính vượt Trường Sơn vào Nam bộ chiến đấu. Người lính ấy đã may mắn sống sót trở về với những nỗi đau đớn và dằn vặt khôn nguôi bởi sự mất mát của đồng đội, người thân mà không có cách gì hàn gắn cho được. Ý nghĩa sâu sắc của sự hy sinh ấy được ông khái quát thành câu thơ: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.
Phía sau mặt trời chính là nơi về của các hương linh - Cái địa danh làm nên linh khí quốc gia ấy!
Tôi không có ý kể về nội dung tập trường ca Phía sau mặt trời của ông, mà có kể cũng chẳng được. Nhưng tôi biết thâm ý của ông là bắt đầu đi từ cái cụ thể, cái chủ đạo để làm nên hồn cốt cho tập trường ca:
Chiều hoàng hôn như máu
Dòng sông mênh mang dốc ngược
Cha ẵm ngửa tắm cho tôi
Sông ít lời
Cha và tôi trở về hoang dại.
Có thể nói, Trần Thế Tuyển chỉ nghĩ về quê hương, viết về quê hương của mình một cách trần trụi, yêu thương và đầy những khắc khoải:
Quê hương, nơi chị tôi lang thang
Thân cò cuối rãnh
Nghe tiếng nhái kêu như sợ ai đến đánh
Trốn chui trốn nhủi vào đêm
Trần Thế Tuyển đã tìm được đúng mạch nguồn để nuôi dưỡng cảm xúc cho ông, đó là cội rễ và những người thân yêu của mình. Ông viết về chính ông, về làng quê của ông - một làng quê nghèo đến độ thiếu từng ánh đèn, đốm lửa. Ông viết về những đứa trẻ nông thôn đi ngủ từ lúc hoàng hôn, chùi chân vào chiếc chổi rơm cùn, đắp chiếc chăn vá chằng vá đụp. Ông kể về làng quê của ông bằng cảm xúc hiện thực đến đắng lòng:
Người chết đói không sao đếm nổi
Đường làng thây chồng chất thây
Không còn ai chôn người chết
Có lẽ thế, ma nhiều không kể xiết…
Đêm đêm ma mặc áo tơi.
Ông viết về hồn ma nhưng thực ra là viết về người. Viết về những nông dân lầm lũi, mặc áo lá, lang thang kiếm ăn như những bóng ma. Và, chính những con người nghèo khổ ấy đã cầm lấy vũ khí đánh giặc để giành lại quê hương cho mình:
Cha mang miếng cơm vào trận đánh
Bót Đông Biên ngày lễ thánh
Máu đỏ ngập sân tràng…
Tôi đồng cảm với Trần Thế Tuyển bởi sự gần gũi với cội rễ nông dân của ông, bởi sự nghèo khó trên quê hương của ông. Ông viết về cái nôi quê hương - Cái nôi làm bằng lá chuối - Quấn lấy hài nhi nóng hổi, cũng giống như Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Nỗi ám ảnh về sự nghèo khó, bất trắc, tràn ngập như những lớp sóng trong lời thơ của ông, bám riết lấy ông cho tới tận cái ngày ông trở thành chiến sĩ:
Tôi khoác ba lô ra đi
Sau lưng ngọn rau má
Củ khoai ngứa đến ba ngày…
Có thể vì vậy mà Trần Thế Tuyển luôn trân trọng, nâng niu từng chút kỷ niệm lấm láp của cuộc đời mình - những kỷ niệm ngột ngạt - những kỷ niệm làm ông cứ rưng rức khôn nguôi:
Ngày mai chúng tôi ra trận
Mang theo lời mẹ dặn
Mang theo sự im lặng của em…
Hoặc:
Có người con gái làng bên
Ném sang tôi cái nhìn dịu êm
Cái nhìn bỏng cháy
Tôi gặp em khi em đang câu cáy.
Sự trong sáng, ngây thơ, giản dị đến tận cùng của những chàng trai mới lớn ra trận được ông mô tả với những khát vọng cũng thật bình dị như chính nguồn gốc của ông:
Con đi đây, trận đánh đêm nay
Cứ như một giấc ngủ say
Khao khát về bên mẹ
Cứ như cái thời trai trẻ
Cắt cỏ, chăn trâu, cấy cày…
Cũng có thể từ một nguồn cội như vậy, mà khi bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn, ông thảng thốt kêu lên:
Đêm nay bên dòng Long Khốt
Những hậu duệ của Lạc Long Quân, Âu Cơ…
Lại chém giết nhau, xác xơ vườn tược
Máu chảy ngập sông
Xác người Việt chồng lên người Việt…
Từng đêm lại từng đêm
Xiết khôn, không thể nhớ
Chôn bao người anh em
Cả bên ta bên “nó”
* * *
Thơ Trần Thế Tuyển giản dị, đau đáu, không cầu kỳ nhưng lại cứa vào cái hồn cái vía của người đọc, khơi gợi lòng trắc ẩn nơi lòng họ. Ông làm sống lại thời gian bởi những ký ức dằn vặt và cuồn cuộn cảm xúc. Điều dễ nhận thấy trong Phía sau mặt trời là ông vẫn giữ được vẻ đằm thắm, sâu sắc, tinh tế vốn có của ông. Thơ ông là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa phẩm chất công dân và phẩm chất nhà thơ. Khó có thể tìm ra được sự rạch ròi trong nguồn cảm xúc ấy. Tất cả như hòa quyện vào nhau làm một.
Chính điều này đã làm nên cái riêng của ông mà không phải người làm thơ nào cũng có được.
Là người làm công tác quản lý, nhưng Trần Thế Tuyển luôn sáng tác đều tay. Ông đã cho ra đời 12 tác phẩm văn chương và nhận được hàng chục giải thưởng về báo chí, văn học. Nhưng phải đến Phía sau mặt trời, ông mới khẳng định được sự vượt trội về thẩm mỹ, bản lĩnh sáng tạo và sự sâu sắc, nhân bản trong sự nghiệp văn chương của ông.
TPHCM, tháng 7 năm 2014
----------
(*) NXB QĐND - 2014
Nhà thơ VĂN LÊ