Bài học từ Uganda

Cho đến nay, dịch bệnh Ebola đã gây ra cái chết của gần 1.000 người ở 4 quốc gia Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria nhưng nó vẫn chưa vào Đông Phi. Uganda, đất nước sát với vùng dịch và từng bị Ebola hoành hành năm 2000 được xem như thành công khi đã chuẩn bị chống dịch rất tốt.

Cho đến nay, dịch bệnh Ebola đã gây ra cái chết của gần 1.000 người ở 4 quốc gia Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria nhưng nó vẫn chưa vào Đông Phi. Uganda, đất nước sát với vùng dịch và từng bị Ebola hoành hành năm 2000 được xem như thành công khi đã chuẩn bị chống dịch rất tốt.

Ngày 7-10-2000, bác sĩ Matthew Lukwiya đang ở nhà tại Kampala thì nhận được cú điện thoại từ bệnh viện của mình ở huyện Gulu, cách thủ đô Kampala của Uganda 400km. Các bác sĩ thông báo cho ông biết một số y tá của bệnh viện đã qua đời vì căn bệnh lạ sau khi bị sốt, nôn mửa và chảy máu miệng, mắt. Lập tức ngay đêm ấy, bác sĩ Lukwiya đã tới bệnh viện xét nghiệm các nạn nhân, ông rà lại tất cả các bệnh lý trong sách giáo khoa. Ngày hôm sau, ông ra lệnh thành lập một khu cách ly trong bệnh viện và gọi điện thoại cho Bộ Y tế để xác nhận những gì ông nghi ngờ: bệnh nhân của ông đã chết vì Ebola.

Mười bốn năm sau đó, khi Tây Phi và cộng đồng y tế toàn cầu vật lộn với dịch bệnh tồi tệ nhất từng bùng phát tại Uganda. Điều đó nhắc nhớ tới kinh nghiệm của Uganda trong phòng và chống dịch này.

Kinh nghiệm của Uganda cho thấy tầm quan trọng của việc công khai và hợp tác quốc tế nhanh nhất. Thật vậy, ngay sau khi các xét nghiệm xác nhận rằng bệnh nhân của ông Lukwiya nhiễm Ebola, Chính phủ Uganda ngay lập tức triệu tập một cuộc họp báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và các quốc gia tài trợ chính, yêu cầu được giúp đỡ.

Roy Mayega, nhà dịch tễ học và giảng viên tại Trường y tế công cộng thuộc Đại học Makerere ở Kampala nói trên báo Christian Science Monitor: “Tại Uganda, chính phủ của chúng tôi hầu như không biết xấu hổ trước các dịch bệnh. Không phải là họ tự hào nhưng khi khi gặp khủng hoảng, họ thông tin một cách nhanh chóng”.

Bộ Y tế Uganda vào lúc đó ngay lập tức cho phát thanh và đăng báo các thông báo giải thích cặn kẽ về dịch bệnh Ebola và hướng dẫn cách chôn người chết đúng cách trong những túi có kín. Điều quan trọng là Chính phủ Uganda đã thuê hơn 1.000 người dân địa phương khu vực xung quanh Gulu (nơi bùng phát bệnh) tới từng nhà tìm kiếm bệnh nhân Ebola tư vấn về điều trị và mai táng.

Vào tháng 2-2001, khi dịch Ebola đã được kiểm soát ở Uganda, đã có 224 người chết, trong đó có bác sĩ Lukwiya, ông qua đời vào tháng 12-2000 sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. Vào thời điểm đó, Uganda được xem là nơi bị Ebola hoành hành dữ dội nhất nhưng đến khi dịch Ebola xuất hiện một lần nữa tại nước này vào năm 2007, có 37 người chết và một trận dịch Ebola nữa năm 2012 chỉ có 17 người chết.

Ở Sierra Leone, Guinea, và Liberia, những nơi đang bị dịch Ebola hoành hành trong một điều kiện hoàn toàn mới khi mà các chính phủ những nước này vừa trải qua các cuộc nội chiến, tình trạng tham nhũng và nghèo đói ở mức cao, hệ thống y tế của họ phần lớn đã thất bại trong việc phản ứng với dịch Eobola. Ngoài ra 3 nước này không phối hợp tốt trong việc phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa, không giống như ở Uganda, các tổ chức quốc tế như WHO, Bác sĩ không biên giới (MSF) khi tới những nước Tây Phi có dịch Ebola không nhận được sự phối hợp hiệu quả của các nhân viên y tế địa phương. Nhiều người sống ở các nước Tây Phi này xem các trạm y tế và bệnh viện như cõi chết, khi vào là không có đường sống trở về.

Sau khi công bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu, WHO cho rằng Ebola không phải là căn bệnh bí hiểm với cộng đồng y tế toàn cầu vì bằng chứng là dịch bệnh từng bị chặn đứng và sẽ tiếp tục bị chặn đứng. Vấn đề là phòng chống như thế nào để có hiệu quả.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục