Với vai trò và sứ mệnh được Đảng và Chính phủ giao phó, các nhà khoa học, chuyên gia của ĐH Quốc gia TPHCM đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá về nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… để giúp Tây Nam bộ phát triển bền vững từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những đề xuất lớn
Theo PGS-TS Từ Diệp Công Thành, Phó trưởng Ban Khoa học - Công nghệ (ĐH Quốc gia TPHCM), từ Chỉ thị 10, với vai trò của mình, ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất những định hướng phát triển: Thứ nhất, về thể chế và chính sách sẽ tập trung mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch để phát triển bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng; Thứ hai, về nghiên cứu và phát triển sẽ có chương trình khoa học - công nghệ quốc gia phát triển bền vững, hình thành các trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao quốc gia; thứ ba, về ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao sẽ hình thành các siêu dự án về nông nghiệp và nông thôn, siêu dự án về môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), để thực hiện thành công những giải pháp trên, yếu tố nhân lực là bài toán then chốt nhất. Nếu không có nhân lực cao thì khó có thể triển khai. Do đó, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ kiến nghị để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và tập trung vào nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo chuyên gia và nhà lãnh đạo. Song song đó là cải tiến và đổi mới chương trình đào tạo, có thể mạnh dạn xin cơ chế đặc thù, đào tạo thí điểm nhân lực cho ngành nông nghiệp…
Tập trung tháo gỡ nút thắt
TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết, trong 3 năm gần đây, điểm đầu vào những ngành nông nghiệp của trường chỉ quanh mức 14-16 điểm. Mặc dù điểm thấp - đồng nghĩa với đầu vào thấp, nhưng trường luôn trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu. Đáng nói hơn, các trường đào tạo về ngành nông nghiệp những năm gần đây tuyển sinh chỉ đạt 30%-35% chỉ tiêu. Đây là bài toán rất khó và chưa có lời giải.
Cùng quan điểm trên, PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: “Bài toán nhân lực là nút thắt lớn nhất cho Tây Nam bộ cần tập trung tháo gỡ. “Chúng ta phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học về sản xuất nông nghiệp nhưng không có nhân lực chất lượng cao thì không thể làm được”. Một thực trạng đáng nói nữa là người học không muốn quay về vùng này để làm việc mà học xong chỉ bám trụ lại thành phố để sinh sống. Do đó, cần phải quyết liệt về bài toán nhân lực chất lượng cao cho vùng; kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT có cơ chế đặc thù và chính sách để thu hút nhân lực chất lượng cao cho vùng thì mới tháo được nút thắt này.
Với góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS-TSKH Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng, để phát triển bền vững cho Tây Nam bộ, vai trò của ĐH Quốc gia TPHCM phải bám sát 4 trụ cột chính là kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế. Việc phát triển kinh tế của vùng phải có những chính sách đặc thù cho vùng. Đơn cử như nhân lực chất lượng cao phải có chính sách vĩ mô từ Chính phủ. Tỉnh nào cũng mong muốn phát triển cái này, cái kia nhưng bỏ trống bài toán nhân lực thì không thể nào làm được. Những đề xuất và giải pháp phải tính tới hiệu quả cụ thể, đào tạo thế nào, thu hút và đãi ngộ nhân lực rõ ràng chứ không thể chỉ nêu trên giấy.
Cùng với giải pháp về nhân lực cho vùng, trong phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giải pháp công nghệ sinh học trong giống lúa, thủy hải sản, giống cây… cũng được các nhà khoa học nêu nhiều kiến nghị cụ thể.
Về ứng phó với xâm nhập mặn, chống xói lở, GS-TSKH Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “Hiện nay vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ở Tây Nam bộ nóng nhất. Chính vì vậy, việc tập trung nghiên cứu và dự báo tình hình xâm nhập mặn, chống xói lở phải có dự án và đề tài nghiên cứu đủ tầm, đủ lớn mới hiệu quả”. Cùng quan điểm, Viện Kinh tế Tuần hoàn (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng nhìn nhận, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, cụ thể trong nông nghiệp là bài toán tổng hợp cần kết hợp với nhiều bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Song song đó, chúng ta nên kết hợp và tận dụng dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn để tận dụng và nguồn tài chính hỗ trợ trong các dự án nghiên cứu, chương trình đào tạo nhân lực cho vùng.
Một trong những giải pháp lớn được các nhà khoa học của ĐH Quốc gia TPHCM kỳ vọng là hình thành Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ hình thành trung tâm theo mô hình quốc tế là đi từ nghiên cứu, thực hành sản xuất và chuyển giao ứng dụng. Theo đó, trung tâm này có thể sử dụng 10ha ở Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu về giống cây, đề tài khoa học nông nghiệp và thực nghiệm. Sau đó sẽ tiến hành bàn giao và triển khai ứng dụng thực tế tại các địa phương.
Trong tháng 8, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị lớn tại TP Cần Thơ với sự tham gia của các tỉnh Tây Nam bộ để bàn về sự hợp tác với TPHCM trong phát triển nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu. ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã ký kết với UBND TPHCM nên chúng tôi mong muốn ĐH Quốc gia TPHCM tham gia và chia sẻ những kiến nghị, giải pháp thúc đẩy cho sự liên kết giữa TPHCM và vùng Tây Nam bộ. Trong công tác đào tạo nhân lực cho vùng, ĐH Quốc gia TPHCM nên đào tạo theo hướng ứng dụng, đào tạo gắn những dự án cụ thể với từng địa phương chứ như trước đây đào tạo theo hướng bồi dưỡng ngắn hạn thì không đủ chất lượng và hiệu quả.
TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó viện trưởng Viện Thủy lợi miền Nam:
Qua nhiều năm lăn lộn và thực tế tại Tây Nam bộ, tôi thấy vấn đề xói lở, dòng chảy thay đổi và xâm nhập mặn là vấn đề cấp bách của vùng. Chính vì vậy, những chương trình khoa học - công nghệ của ĐH Quốc gia TPHCM cho vùng rất cần thiết. Những đề tài này phải tập trung nghiên cứu và có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề. Nếu hợp tác và kết hợp với các chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế thì quá tốt. Riêng vấn đề nhân lực, hiện viện đang rất cần nhân lực về ngành khoa học vật liệu nhưng chúng tôi tìm người 3 năm nay chưa có.
PGS-TS HoànG Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM):
Phải đẩy mạnh việc liên kết vùng trong thương mại dịch vụ và logistics để nâng cao giá trị hàng hóa cho vùng Tây Nam bộ. Các chợ đầu mối tại TPHCM mỗi đêm doanh thu đến 1.500 tỷ đồng và hàng hóa, nông sản, thủy sản từ miền Tây đóng góp đến 60%. Tuy nhiên, do tắc nghẽn kênh phân phối nên giá thu mua nông sản rất thấp và giá bán rất cao. Điều này cho thấy người nông dân chịu rất nhiều thiệt thòi và ảnh hưởng đến sinh kế của bà con. Giải quyết được bài toán này sẽ nâng cao được đời sống và thu nhập cho nông dân vùng Tây Nam bộ.
“Từ kết quả và kiến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia của ĐH Quốc gia TPHCM, chúng tôi sẽ tổng hợp và sẽ làm việc trực tiếp với các bộ, ngành để thực hiện các đề xuất và giải pháp. Tiếp đó, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để chấp thuận cho ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện những nhiệm vụ cụ thể” |