Bàn biện pháp gia tăng giá trị nội địa sản phẩm xuất khẩu

Ngày 17-10, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề tình hình đầu tư và xuất khẩu nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng xuất khẩu và bàn định hướng xuất khẩu của TPHCM trong giai đoạn mới. 
Các đại biểu tham dự hội nghị đầu tư và xuất khẩu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Các đại biểu tham dự hội nghị đầu tư và xuất khẩu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Phan Văn Chinh cùng nhiều chuyên gia, các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Theo TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện chính sách công TPHCM, gần đây xuất khẩu của TP đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Xuất khẩu của TPHCM vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh của TP. Biểu hiện rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm so với cả nước và các địa phương khác dẫn đến tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP so với cả nước ngày càng giảm.

Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu và hàm lượng giá trị gia tăng thấp trong các ngành hàng xuất khẩu theo cách tiếp cận năng lực cạnh tranh của cụm ngành và chuỗi giá trị. Chính sách, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cho từng ngành thiếu tính hệ thống và kém hiệu quả. Chưa xác định được những ngành hay cụm ngành có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu cao dựa trên các phân tích, đánh giá một cách khoa học.

Các đại biểu tham dự hội nghị chuyên đề tình hình đầu tư và xuất khẩu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Các chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và phát triển xuất khẩu trong những năm trước vẫn còn dàn trải, thiếu tính chiến lược dài hạn. Do vậy, việc nhận dạng lại bức tranh chung về xuất khẩu của TPHCM, trong đó đánh giá lại một cách có hệ thống và khoa học nền tảng cho xuất khẩu của TPHCM và sự gắn kết của xuất khẩu của TPHCM với các vùng lân cận, từ đó định vị nhóm ngành, sản phẩm mà TP cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới là rất cấp thiết.

Đi vào cụ thể, TS Đinh Công Khải phân tích, trong 1.014 sản phẩm mà TPHCM xuất khẩu, có 186 sản phẩm có lợi thế so sánh bộc lộ (RCA), chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của TP. Nhưng hầu hết các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu của TPHCM đang mất dần lợi thế so sánh bộc lộ (108/186 sản phẩm có RCA giảm). Các sản phẩm nổi bật hiện nay là điện tử, màn hình và đèn chiếu, thiết bị xử lý dữ liệu tự động, cà phê, gạo, hạt, dệt may, da giày, gỗ và gỗ bào.

Với nhóm các sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chí (các thiết bị tinh thể lỏng, phụ kiện cho đồng hồ, các hình nộm thời trang, các sản phẩm vệ sinh răng miệng hoặc nha khoa) thì quy mô xuất khẩu hiện tại còn rất nhỏ, chưa thể đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn. Sản phẩm truyền thống (dệt may, da giày, nông – thủy hải sản, cao su – hóa chất, và đồ gỗ) vẫn quan trọng vì đây là sản phẩm có quy mô xuất khẩu lớn, có lợi thế so sánh, có tính khả thi cao, đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế vì giá lao động và mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, đồng thời mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hoá thấp. Với những sản phẩm quan trọng nổi bật (điện tử, cơ khí chế tạo linh kiện) là sản phẩm có mức độ tinh vi cao, có tiềm năng, nhưng có tính khả thi thấp do nền tảng năng lực sản xuất và công nghệ còn thấp, chủ yếu là đến từ FDI (với khả năng tham gia của DN nội địa thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu).

Về định hướng xuất khẩu của TPHCM đến năm 2030, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, quan điểm chiến lược của TP là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hoá vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số). Cân đối hài hoà giữa mục tiêu dài hạn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, TP sẽ tiếp tục duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn, đồng thời nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu này. Nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu như sản phẩm hàng hoá, phần mềm và nội dung số, du lịch…

Về mô hình tăng trưởng, ông Nguyễn Ngọc Hòa đưa ra mô hình “cá chép”, trong đó quan trọng nhất là các dịch vụ nền tảng về công nghệ, nguồn nhân lực và tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ FTA để hỗ trợ xuất khẩu bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xúc tiến thương mại và logistics cùng các cơ chế chính sách (phần đầu cá); xây dựng nền tảng cho các sản phẩm truyền thống và có thế mạnh (phần mình cá); tập trung phát triển xuất khẩu nhóm hàng hoá vô hình, đặc biệt là sản phẩm công nghệ thông tin như phần mềm, nội dung số, các dịch vụ, bưu chính.

Theo nhận định của ông Hòa, nếu chúng ta phối hợp làm tốt, sẽ tạo điều kiện cho DN, nhất là các DN, sản phẩm có tiềm năng tăng tốc trong thời gian tới.

Liên quan đến các chỉ tiêu, ông Hòa cho hay, các chuyên gia nhận định, dự ước xuất khẩu của TP giai đoạn 2021 -2030 sẽ tăng bình quân 7%/năm, trong đó các FTA góp phần tăng xuất khẩu khoảng từ 2%-3%/năm. Cụ thể, năm 2020 xuất khẩu của TP đạt khoảng 49 tỷ USD; giai đoạn 2021-2025 đạt 80 tỷ USD/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 129 tỷ USD/năm, tăng bình quân 10%/năm.

Bình luận về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của TP, nhiều chuyên gia nhận định, TPHCM vẫn có nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng để phát huy tốt nhất lợi thế, TP cần tập trung đầu tư để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối tốt hơn giữa các vùng và khu vực nhằm giảm thiểu chi phí giao nhận hàng hóa. Hiện chi phí logistics chiếm tới 18% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm 59% tổng chi phí logistics đã làm giảm năng lực, sức cạnh tranh của hàng hóa và DN trong nước.

Tin cùng chuyên mục