Bán đảo triều Tiên trước nguy cơ xung đột quân sự

Ngày 10-10, nhật báo Chosun Ilbo đưa tin, tàu ngầm Michigan có trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ tới Hàn Quốc trong vài ngày tới. Cùng lúc này, phía Triều Tiên cũng tuyên bố đã tiến hành tập trận nhảy dù xâm nhập Bộ Tư lệnh Các lực lượng hỗn hợp (CFC) Mỹ - Hàn tại Seoul, khiến tình hình bán đảo triều Tiên ngày càng căng thẳng.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên gần đây
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên gần đây
Nhiều cuộc tập trận
Nhật báo Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin thân cận với lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, Michigan sẽ ghé thăm một cảng trong căn cứ hải quân ở phía Đông Nam TP Busan. Nguồn tin này cũng cho biết, việc đưa Michigan tới Hàn Quốc cùng với sự hiện diện của tàu sân bay Ronald Reagan tại một căn cứ khác ở Nhật Bản cho thấy quyết tâm ngăn chặn các mối đe dọa từ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Michigan có khả năng mang theo tối đa 154 tên lửa Tomahawk, từng ghé thăm Busan hồi tháng 4 khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. Trong khi đó, tàu Ronald Reagan dự kiến cũng sẽ dẫn đầu một nhóm tàu chiến của Mỹ tham gia cuộc diễn tập hải quân chung với lực lượng của Hàn Quốc vào cuối tháng này. Thông tin về cuộc diễn tập đã được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun xác nhận, tuy nhiên ông này không cho biết kế hoạch cụ thể và quy mô của cuộc diễn tập. 
Cùng ngày, các quan chức quốc phòng Triều Tiên cho biết, các lực lượng đặc biệt của Lục quân Triều Tiên đã tiến hành tập trận nhảy dù xâm nhập Bộ Tư lệnh Các lực lượng hỗn hợp (CFC) Mỹ - Hàn tại Seoul. Trong buổi diễn tập, các lực lượng đặc biệt Triều Tiên đã thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ tại một thao trường mô phỏng CFC, mang theo những chiếc dù gấp có trọng lượng từ 3-4 kg và nhảy từ một điểm cao để bắt giữ đối tượng mục tiêu. Đây là lần đầu tiên các thành viên lực lượng đặc biệt Triều Tiên tiến hành tập trận xâm nhập bằng nhảy dù nhằm vào sở chỉ huy CFC. Theo các quan chức nêu trên, cuộc tập trận này có sự tham gia của các lực lượng đặc biệt đến từ lục quân, hải quân và không quân Triều Tiên.
Sức ép tăng dần
Trước đó, Liên hiệp quốc (LHQ) đã áp đặt lệnh cấm cập cảng trên phạm vi toàn cầu đối với 4 tàu bị phát hiện vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đối với Triều Tiên. Điều phối viên của Ủy ban Về trừng phạt Triều Tiên thuộc HĐBA LHQ, Hugh Griffiths cho biết, các tàu trên bị phát hiện “chở các hàng hóa bị cấm”. Theo ông Griffiths, lệnh cấm này không nhằm phong tỏa tài sản hay cấm đi lại, mà cấm các tàu cập mạng lưới cảng biển trên toàn cầu. Một nguồn tin giấu tên cho biết, các tàu bị trừng phạt đã bị phát hiện chở than đá, hải sản và quặng sắt, những mặt hàng bị LHQ cấm đưa vào Triều Tiên theo một nghị quyết hồi tháng 8. Các nhà ngoại giao Triều Tiên cũng có mặt tại phiên họp trên và không đưa ra phát biểu nào. 
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã yêu cầu các lực lượng Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất, trong đó bao gồm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Bình Nhưỡng. Tại cuộc họp và triển lãm thường niên của Hiệp đội Lục quân Mỹ (AUSA) ở thủ đô Washington, ông J.Mattis cho biết hiện tại, phương án ngoại giao vẫn đang là ưu tiên, kết hợp với các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong quan hệ với Triều Tiên. Nhưng trong tương lai, nhiệm vụ của lục quân Mỹ là đảm bảo Washington “có các lựa chọn quân sự nếu cần thiết”. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội Twitter rằng, các thỏa thuận và công tác đàm phán với Triều Tiên đã khiến những nhà đàm phán Mỹ trở thành những kẻ ngốc. Ông Donald Trump nhấn mạnh “chỉ có một cách duy nhất”, tuy nhiên không giải thích rõ cách gì.

Tin cùng chuyên mục