
Sau khi Trung Quốc cho phát hành tấm bản đồ mới vẽ “đường lưỡi bò 10 đoạn” vi phạm Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, rất nhiều chuyên gia và các hãng thông tấn trên thế giới tiếp tục đưa ra quan điểm phản đối việc làm sai trái của Bắc Kinh.

Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (triều đình nhà Thanh - Trung Quốc ấn hành năm 1904) không có Hoàng Sa, Trường Sa.
Mưu đồ xâm chiếm
|
Tờ Philstar (Philippines) dẫn lời ông Roilo Golez, cựu nghị sĩ Quốc hội Philippines, cho rằng tấm bản đồ này không dựa trên cơ sở luật pháp, thực tế và lịch sử. Thậm chí ngay cả khi không nộp bản đồ này lên LHQ, hành động vô trách nhiệm của Bắc Kinh cũng đã gây bất ổn đối với hòa bình và an ninh khu vực.
Ông Roilo Golez quan ngại Trung Quốc sẽ dùng bản đồ mới để tiến hành các hành động xâm chiếm. Hải quân Trung Quốc sẽ vin vào bản đồ mới để thực hiện việc tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế và tiến gần hơn đến lãnh hải của Philippines. Cựu nghị sĩ Quốc hội Philippines hy vọng Malaysia và Indonesia sẽ phản đối tấm bản đồ bởi “đường lưỡi bò” mới tiến gần bờ biển Malaysia và ăn sâu vào vùng biển gần Indonesia.
Trong khi đó, tờ The Washington Post ngày 27-6 đã đăng bài viết có tựa đề “Liệu bản đồ mới của Trung Quốc có phải là sự mở đầu một cuộc chiến tranh?”, trong đó cho rằng việc Bắc Kinh phát hành tấm bản đồ mới 10 đoạn đứt khúc là một bước đi nữa thể hiện rõ ý đồ xâm chiếm gần như toàn bộ biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi lâu nay, bất chấp việc vi phạm luật pháp quốc tế.
Tờ báo này cảnh báo đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và một cuộc khẩu chiến như đã từng xảy ra khi Trung Quốc phát hành các tấm hộ chiếu in bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn và cả các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp với Ấn Độ.
Tham vọng lộ liễu
Theo báo Philstar, bản đồ của Bắc Kinh chỉ là một bản vẽ vi phạm UNCLOS, chứa đựng những điều tự tạo ra, không có thật, bị bác bỏ. Philstar cũng cho rằng nếu theo cách lập luận của Trung Quốc, Philippines cũng có thể tự vẽ một bản đồ với toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc thuộc về Philippines và thủ đô Bắc Kinh khi đó sẽ được đổi tên thành Rizal.
Tờ Wall Street Journal với bài viết có tựa đề “Vũ khí mới của Trung Quốc trong cuộc chiến trên biển Đông là một bản đồ dọc” đã dẫn một ý kiến trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho rằng tấm bản đồ không có gì hơn là một tham vọng lộ liễu và chỉ cho thấy một hành động theo chủ nghĩa yêu nước cực đoan mù quáng dễ dãi.
Trong khi đó, kênh ABS-CBN News dẫn lời luật sư Harry Roque, Giám đốc Viện Nghiên cứu pháp lý quốc tế Philippines, nhận định Trung Quốc dường như đang bị rối loạn vì liên tục thay đổi thông tin về tuyên bố lãnh thổ của mình. “Dù Trung Quốc có làm gì thì cuối cùng tòa án quốc tế cũng sẽ là cơ quan phán quyết về tính hợp pháp của đường 9 đoạn hay 10 đoạn. Làm sao có thể mong chờ cộng đồng quốc tế tin vào giá trị của nó khi bản thân bên yêu sách là Trung Quốc còn không chắc chắn”, ông Harry Roque nói.
|
ĐỖ CAO (tổng hợp)