Phim Làng Cát

Bản hùng ca tặng quân dân Bình Thuận

Bản hùng ca tặng quân dân Bình Thuận

Từ giữa năm 2004 Sở Văn hóa Thông tin Bình Thuận đã chuẩn bị nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật chào mừng 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có 5 tập phim Làng Cát – phần 3 (phần 1 là Động Cát Đỏ, phần 2 là Người làng Cát), kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Trần Vịnh, do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Bình Thuận sản xuất.

Bản hùng ca tặng quân dân Bình Thuận ảnh 1

Diễn viên Hoa Thúy trong vai Sóng.

Mở đầu phần 3 của bộ phim Làng Cát là kết thúc trận tấn công của quân và dân Bình Thuận trong trận Mậu Thân năm 1968. Các tác giả đã khai thác nhiều góc độ mô tả nỗi đau khác nhau của những người dân trong mọi đời sống ngóc ngách, thôn ấp, đến tận mỗi mái tranh nghèo, trên những cái làng dọc vùng biển đã rên xiết quằn quại trong cảnh tang tóc, chia lìa, trong đó có mối tình éo le của Sóng và Nhớ.

Các tác giả cũng đào xới chiều sâu nỗi khổ của cuộc đời những sĩ quan cao cấp trong hàng ngũ quân đội Thiệu như trung tá Là (NSƯT Minh Đáng đóng).

 Mối tình của Sóng và Nhớ cũng như bà Nhân (chủ hãng nước mắm, là mẹ của Chiến) uất ức đến điên dại và bà con Làng Cát gặp bao oan khiên do âm mưu chia rẽ của kẻ thù gây nên, nhưng riêng tư của mỗi người là góc nhỏ giữa cuộc chiến tranh giành lại tự do cho cả một dân tộc mà những người con Bình Thuận thời ấy được các cán bộ cách mạng gần gũi tuyên truyền, biết đoàn kết lại vượt bao khó khăn phối hợp với du kích, bộ đội chủ lực để làm nên cuộc chiến thắng kỳ diệu chung của dân tộc.

Là một bộ phim chiến tranh nhưng Làng Cát không bị rơi vào sự khô khan. Các diễn viên được đạo diễn tuyển chọn từ Hải Phòng, Hà Nội đảm trách những vai chính. Như NSƯT Ngọc Hiền của Đoàn kịch Hải Phòng trong vai vợ trung tá Là, làm cho người xem ngạc nhiên trước khả năng diễn xuất của chị trong vai người đàn bà đã không bỏ lỡ cái quyền của một trung tá phu nhân vừa đa đoan vừa tham lam.

NSƯT Văn Báu ở Hà Nội đã từng xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ những vai chính diện thì trong Làng Cát lại thể hiện rất xuất sắc vai trung tá Sanh; có thể nói Văn Báu diễn chính xác từng nét diễn, từ ánh mắt, cái khoát tay, cái hất đầu ra lệnh đến cơ mặt đã khắc họa hình tượng một tên trung tá ngụy rất thành công. NSƯT Thúy Vân của Đoàn Văn công Liên khu 5 trong vai bà Nhân tuy lần đầu đóng phim truyền hình cũng tỏ ra có bản lĩnh nghệ thuật trong một vai khó diễn. Hoa Thúy của Nhà hát Tuổi Trẻ trong vai Sóng, Bá Thi trong vai Nhớ, Tấn Hưng trong vai Chiến, Thanh An trong vai ông Bảy đều ở TP Hồ Chí Minh và các diễn viên phụ, các diễn viên quần chúng đều ở Bình Thuận. Các đơn vị bộ đội của Quân đoàn 4 tham gia đóng phim.

Ông Nguyễn Ánh Minh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, sau khi xem phim đã nói: “Chiến tranh là một đề tài không mới với bất cứ ai trên khắp thế giới, nhưng nó là bức tranh luôn phải được lưu lại, nhắc nhở con cháu chúng ta hãy nhớ lấy những gì mà cha ông mình đã chịu đựng, hy sinh xương máu để giành lại độc lập của quê hương hôm nay. Phải sống học tập và lao động sao xứng đáng với cha ông ta”.

NGỌC TRÂM

Tin cùng chuyên mục