
Qua hơn 12 năm hoạt động, ACB đã khẳng định được uy tín và vị thế của mình trên thị trường tài chính tiền tệ và từng bước hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Có được thành công ấy, theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, là nhờ quan điểm kinh doanh: “Bán sản phẩm mà khách hàng cần, chứ không phải bán cái mà ngân hàng có”.
Quan điểm này xuyên suốt từ lúc thành lập và đã trở thành triết lý kinh doanh của ACB trong toàn bộ hoạt động, từ việc đào tạo nhân viên đến xây dựng sản phẩm, đổi mới công nghệ và mở rộng mạng lưới hoạt động… Với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ, ACB đi đầu trong việc đưa ra các sản phẩm mới.

Siêu thị địa ốc Ngân hàng ACB khá thu hút khách.
Từ những năm đầu thành lập, ACB là ngân hàng tiên phong đưa ra sản phẩm cho vay mua nhà, sửa chữa nhà, mua phương tiện sinh hoạt gia đình, cho vay du học trọn gói…, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của khách hàng và tác động tích cực đến nền kinh tế.
Khi đưa ra thị trường một sản phẩm, ACB đều nghiên cứu một cách kỹ lưỡng trên cơ sở sản phẩm phải phù hợp và hài hòa với lợi ích và quyền lợi của khách hàng. Đặc biệt, ACB luôn xem việc đào tạo con người là điều quan trọng nhất trong chiến lược cạnh tranh của mình. ACB xây dựng mối quan hệ giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng là mối quan hệ thân thiện, cởi mở và hỗ tương.
Việc ACB đưa hệ thống online vào hoạt động cùng với việc phát hành thẻ tín dụng visa, mastercard và gần đây nhất là dịch vụ Call center 247 nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và hiện đại của khách hàng.
Áp dụng công nghệ mới, ACB tái cấu trúc ngân hàng theo hướng phân ra làm 3 nhóm khách hàng riêng biệt : cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức, định chế. Mỗi nhóm khách hàng ACB đều có một chính sách riêng (như về tín dụng, tài trợ thương mại, tiền gửi…).
Chính nhờ điều này mà 12 năm qua ACB có tốc độ tăng trưởng nóng nhưng vẫn bảo đảm sự tăng trưởng bền vững. ACB trở thành ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam cũng như lợi nhuận mang lại cho cổ đông nhiều nhất.
MAI THẢO