“Bàn tay vàng” trong làng đan giỏ

Trái với hình dung thông thường về đôi bàn tay của một người làm nghề đan lát suốt 20 năm, đôi bàn tay chị trắng và mềm mại. Ở xưởng làm hàng mẫu Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất (phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM), chị Nguyễn Thị Thúy Hà, 37 tuổi, tổ trưởng tổ mẫu vừa trò chuyện vừa thoăn thoắt đan những sợi lục bình khô thành một chiếc giỏ nhỏ xinh xinh. 
Chị Nguyễn Thúy Hà với mẫu sáng tạo giỏ bằng sợi lục bình mang lại hiệu quả cao cho Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất. Ảnh: MAI HOA
Chị Nguyễn Thúy Hà với mẫu sáng tạo giỏ bằng sợi lục bình mang lại hiệu quả cao cho Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất. Ảnh: MAI HOA

Cô thôn nữ mê nghề truyền thống

Dường như chị Hà sinh ra là để gắn với công việc này. Lớn lên ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - nơi có nghề dệt cói thủ công - ngay từ nhỏ, chị Hà đã biết phụ cha mẹ dệt chiếu. Lớn thêm chút nữa, khi mẹ nhận thêm hàng về gia công, chị càng mê cái nghề truyền thống của quê hương, gia đình.

Năm 19 tuổi, chị Hà khăn gói vào TPHCM và xin việc ở Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất. Thay vì phải thử việc 3 tháng như người ta, ngay từ phút đầu chứng kiến đôi bàn tay thoăn thoắt của chị, lãnh đạo đã quyết định cho chị hưởng lương chính thức. 

Cô Nguyễn Thị Lia, người có thâm niên làm việc ở xưởng mẫu 26 năm, nói: “Hà giỏi lắm. Ngay từ hồi mới vô, trẻ tuổi mà đã thấy có nghề rồi, làm nhanh mà đẹp lắm”.

Sau 9 năm, chị Hà trở thành tổ trưởng cho tới tận bây giờ. Gần 20 năm làm việc, chị đã kèm cặp khoảng 180 người, trong đó rất nhiều người trở thành thợ giỏi được hợp tác xã khen thưởng. Chị Hà tâm tình: “Làm được nghề này phải kiên trì, chịu khó. Nếu thực sự để tâm thì học rất nhanh, nhưng cũng có người phải bỏ cuộc vì không nhớ nổi các mẫu, không chịu được… đau lưng”. 

Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, chia sẻ, đặc thù của ngành thủ công mỹ nghệ là người làm nghề ngoài năng khiếu, nhìn qua mẫu làm theo được ngay, thì phải cực kỳ tâm huyết chứ không phải làm cho xong việc. Phải thực sự yêu nghề mới có sự sáng tạo, mới nghĩ ra được nhiều cái mới. Ở Ba Nhất, chị Hà là một người như vậy, liên tục có sáng kiến giúp tăng lợi nhuận cho hợp tác xã.

Thấy giá trị mình qua công việc 

Mới đây nhất, sáng kiến về mẫu bồ đựng trái cây đan dây lục bình và bồ đựng trái cây đan dây cói của chị Thúy Hà đã được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Toàn hợp tác xã đã sản xuất được lô hàng 150.000 chiếc, mang về lợi nhuận 420 triệu đồng.

Chị suy nghĩ, trên thị trường hàng mây tre lá xuất khẩu phải luôn có mẫu mã mới để giới thiệu đến khách hàng. Sau một thời gian tìm tòi, thấy trong nước có nhiều nguyên liệu thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, như dây cói ở các tỉnh phía Bắc và thân cây lục bình ở các tỉnh miền Tây Nam bộ; nếu dùng để tạo ra các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam chắc chắn sẽ được khách nước ngoài ủng hộ. 

Chị ngồi mấy tiếng đồng hồ lấy sợi cói, sợi lục bình đan thành bồ, rồi đem mẫu mới trình lên ban giám đốc để đi chào hàng. Kết quả, khách hàng đã rất thích thú với mặt hàng mới này. Đây cũng là 2 sáng kiến giúp chị Hà được đề cử giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019 - tôn vinh những người lao động sáng tạo.

Giữa xưởng mẫu chừng dăm bảy chục mét vuông, chị Hà cùng mười mấy chị em ngồi giữa những bó sợi lục bình khô, tay không ngừng đan. Từ gian phòng nhỏ bé này, những sản phẩm mẫu được chuyển về xưởng ở Bình Dương để hàng trăm công nhân sản xuất cho kịp những đơn hàng. Khi có đơn hàng gấp, các chị đều làm thêm giờ. Mối lương duyên của chị cũng đến trong những buổi làm thêm như thế. Cô công nhân tuổi 20 mới vô làm nhưng giỏi nghề đã khiến anh nhân viên văn phòng hợp tác xã đem lòng thương yêu. Họ nên duyên vợ chồng và giờ đây đã có 2 cô con gái. Ngồi giữa những bó lục bình khô thoang thoảng hương thơm, chị Hà mỉm cười tâm sự, chị biết ơn công việc này vì nó khiến chị thấy mình có giá trị  

Tin cùng chuyên mục