Ông Alexis Goosdeel, Giám đốc Trung tâm Giám sát ma túy và nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA) có trụ sở tại Lisbon nêu rõ, bất chấp dịch Covid-19, thị trường buôn bán ma túy ở châu Âu vẫn rất sôi động.
Có điều, thị trường này điều chỉnh theo sự gián đoạn Covid-19. Nguy hiểm ở chỗ, các đối tượng mua, bán ma túy đang chuyển từ đường phố lên mạng xã hội, nhận đơn đặt hàng qua dịch vụ nhắn tin được mã hóa, gửi ma túy đến khách hàng qua dịch vụ giao hàng tận nhà.
EMCDDA cảnh báo, cũng do trong quá trình kẻ bán - người mua ma túy dễ dàng “bắt liên lạc với nhau” trên nền tảng trực tuyến nên các đối tượng nghiện ma túy có thể tiếp cận nhiều loại ma túy hơn, với độ tinh khiết cao hơn. Chỉ riêng trong năm 2020, trong Liên minh châu Âu (EU) phát hiện 46 loại ma túy mới.
Việc nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch Covid-19, các vũ trường, quán bar phải đóng vào ban đêm, đã làm giảm những loại ma túy vốn được sử dụng trong các dịp tiệc tùng như thuốc lắc, nhưng việc tiêu thụ một số loại khác lại tăng đáng kể, đặc biệt là việc mua, bán hợp chất benzodiazepine, thường được kê để an thần.
Mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm… là các vấn đề sức khỏe tâm thần do đại dịch gây ra có thể đẩy nhiều người sử dụng ma túy hơn; tác động tài chính của cuộc khủng hoảng có thể khiến họ sử dụng các chất độc hại hơn, nguy hiểm hơn và có khả năng gây chết người hơn.
“Để cải thiện tình trạng mất ngủ và căng thẳng, nhiều người đã tự mua thuốc điều trị cho mình trong bối cảnh hạn chế ra ngoài và thăm khám với bác sĩ”, báo cáo nhấn mạnh. Trong khi đó, lượng cocaine hiện có trên thị trường không giảm, nhiều người trồng cần sa tại nhà hơn. Báo cáo của EMCDDA cũng ghi nhận, lực lượng chức năng đã thu giữ lượng cocaine kỷ lục trong năm 2019, với 213 tấn, cao hơn nhiều so với mức 177 tấn trong năm 2018, và số người phải cai nghiện lần đầu cũng gia tăng đáng kể.
Đại dịch và kỹ thuật số đã tạo ra cơ hội làm hồi sinh nhiều loại hình tội phạm, trong đó có buôn bán ma túy, thì giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các loại hình tội phạm này cũng phải dựa vào các nền tảng kỹ thuật số.
Mới đây “Chiến dịch lá chắn Trojan”, một chiến dịch hợp tác của Europol cùng lực lượng hành pháp của gần 20 quốc gia, đã sử dụng công nghệ mã hóa tinh vi để xâm nhập và theo dõi hoạt động của các tổ chức tội phạm trên thế giới.
Chiến dịch thành công nhờ “dụ” các nhóm tội phạm sử dụng ứng dụng nhắn tin AnOm được tin là chỉ có chức năng nhắn tin được mã hóa, bắt giữ 800 đối tượng dính líu tới các băng nhóm tội phạm tại nhiều nước trên thế giới, ngăn chặn hơn 100 “mối đe dọa đến tính mạng”, thu giữ 6 tấn cocaine, 5 tấn cần sa, 2 tấn ma túy đá và hơn 148 triệu USD tiền mặt.
Theo ông Goosdeel, “thị trường ma túy đang phục hồi hơn bao giờ hết và được kích hoạt bằng kỹ thuật số”. Thực trạng này cho thấy, để có thể đối phó với những hậu họa trong tương lai, cần phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, rằng ma túy không phải là vấn đề của riêng đối tượng nào, mà nó đang ảnh hưởng đến cộng đồng nói chung theo nhiều cách.