
Cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện (BV) ở TPHCM hiện nay được ví như những chiếc áo cũ kỹ chắp vá tạm bợ. Trong khi đó, từng giờ từng phút, chiếc áo này phải che chắn cho hàng nghìn lượt bệnh nhân chen chúc nhau đứng-ngồi chờ đợi khám hoặc nằm ngoài hành lang để được chữa bệnh.
Bệnh nhân... mặc áo mưa truyền nước biển
Dọc theo hành lang khoa Bệnh học-BV Chấn thương chỉnh hình (CTCH), nước từ trên trần liên tục rỉ xuống. Một bệnh nhân cho biết:”Chuyện cơm bữa. Đi ngoài hành lang, thấy nước nhiễu xuống đầu là biết ở tầng trên người ta… đang tắm!”. Trong phòng 427, chị Nguyễn Thị Đường (ngụ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã hơn một năm nuôi bệnh tại BV, kể: “Hằng đêm, muốn có chỗ nằm, người nuôi bệnh phải đi… tát nước từ phòng vệ sinh tràn ra.
Mỗi lần có người dội cầu, bên ngoài phòng bệnh nước ngập nhiều hơn”. Khác với phòng bệnh 427 bị nước từ dưới nền tràn lên, ở phòng 427B thì nước từ trên trần chảy xuống. Sau vài lần trám nhưng không khắc phục được, bệnh viện đành dẹp bớt một giường bệnh ngay phía dưới chỗ dột.

Máy xét nghiệm được trùm bao ni lông, thau nhựa để hứng nước thấm dột (dù trời không mưa) là cảnh tượng diễn ra hằng ngày tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM.
Tuy nhiên, hai giường bệnh kế cạnh vẫn tiếp tục bị ướt sau mỗi đợt mưa. Chị Nguyễn Thanh Th. bức xúc:”Mỗi khi đang nằm truyền nước biển, nước từ trên trần chảy xuống, chúng tôi đành… mặc áo mưa chịu trận”. Toàn bộ cơ sở vật chất của BV đã xuống cấp trầm trọng, kể cả khu nhà hành chính và khu điều trị khớp mới xây dựng từ năm 1994. Các khối nhà bị thấm từ trên trần xuống tận dưới đất, như nhà vệ sinh của khoa nội khớp (lầu 3) thấm dột xuống khoa chi dưới và khoa chỉnh hình nhi (lầu 2), sau đó nước tiếp tục… chảy xuống khoa cột sống A và cột sống B (lầu 1).
Tại BV Ung bướu, rất đông người chen chúc nhau chờ đến lượt. Khu phòng khám (được cải tạo từ bãi giữ xe) chỉ hơn 180m2 nhưng phải chứa gần 1.500 lượt bệnh nhân và người thân mỗi ngày. Không đủ ghế ngồi, nhiều bệnh nhân phải dạt ra bên ngoài lối đi chính của bệnh viện. Được vào điều trị nội trú, bệnh nhân tiếp tục rơi vào cảnh nằm… xếp cá mòi bởi 1.400 bệnh nhân mà chỉ có 800 giường bệnh. Một giường không thể “tải” xuể 4-5 người, do đó bệnh nhân khỏe phải xuống đất hoặc ra ngoài hành lang trải chiếu nằm, nhường giường cho người bệnh nặng hơn.
Nhân viên y tế: Sống chung với xuống cấp
Đối với các bệnh nội khoa, 2-3 bệnh nhân có thể nằm chung giường. Riêng bệnh ngoại khoa, bệnh nhân sau mổ cần có giường riêng. Chính vì thế, trên 20 nhân viên y tế từ 3 khoa của BV Bình Dân thu xếp việc sinh hoạt, nằm giường tầng trong một phòng chật hẹp để nhường phòng cho người bệnh. Nhiều bác sĩ thậm chí không có chỗ đặt lưng nghỉ trưa.
Phó Giám đốc BV Ung bướu Phó Đức Mẫn nhìn nhận: Bệnh viện quá tải, thiếu phòng ốc, một bác sĩ phải khám chẩn đoán cho cả trăm người trong một ngày thì chẳng những chất lượng không cao mà e còn khó tránh khỏi sai sót.
Cơ sở vật chất phục vụ cho công việc của nhân viên y tế tại BV CTCH còn bi đát hơn. Chiếc thang máy “chiến lược” dùng chở bệnh nhân, dụng cụ y tế lên các tầng trên chỉ di chuyển từ tầng trệt lên tầng 3 nhưng anh nhân viên phải 2 lần dùng tay tì vào vách tường để… đẩy phụ thang máy đi lên, đồng thời gạt cái chốt lưỡi gà ngoài cửa áp sát vào để thang máy không… dừng lại.
Chưa hết, sau khi cửa mở cho bệnh nhân ra, hai cánh cửa thang máy lại không chịu khép lại, anh phải đẩy ngược cánh cửa lại, rồi kéo 2 cánh nghiêng về 2 phía ngược hướng nhau. Chuyện thang máy bị kẹt xảy ra cơm bữa. Đáng lo hơn là tình trạng nước thấm dột bên trong khoa xét nghiệm.
Trưởng khoa xét nghiệm BV CTCH Nguyễn Thị Phượng băn khoăn “Máy móc xét nghiệm rất đắt tiền, môi trường xét nghiệm đòi hỏi thông thoáng, sạch sẽ. Vậy mà chúng tôi thường xuyên phải dùng bao ni lông trùm máy để chống ướt, dùng thau… hứng nước chảy từ trên trần. Đã gần 10 năm qua, nhân viên y tế phải làm việc với tinh thần… sống chung với xuống cấp”.
Một bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật hồi sức của một bệnh viện còn tiết lộ: không ít lần bác sĩ chuẩn bị vào ca mổ phải ngưng lại, dời đến tuần sau. Bác sĩ chỉ giải thích với bệnh nhân “vì lý do chuyên môn” chứ đâu thể nói ra “nước từ nhà vệ sinh tầng trên… xì xuống phòng mổ”!
Theo Sở Y tế TPHCM, cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện thành phố hiện nay đang trong tình trạng báo động xuống cấp. Không chỉ có ở BV Ung bướu, CTCH, Bình Dân, mà tại các bệnh viện khác như: An Bình, Đa khoa Sài Gòn, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nguyễn Trãi, Phạm Ngọc Thạch, Sức khỏe tâm thần, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… người bệnh vẫn còn lo lắng-phiền hà-chịu đựng mỗi khi phải đến khám hoặc nhập viện điều trị.
Đầu tư: Tập trung hay dàn trải?
Cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện thành phố hiện nay trong tình trạng quá cũ kỹ, rách nát bởi không được tu sửa, bảo dưỡng kịp thời. Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân không ngừng tăng cao. Anh Nguyễn Văn Tuấn-phụ trách xây dựng cơ bản thuộc Phòng Hành chính quản trị BV CTCH, cho biết: Dự án tu sửa, nâng cấp, chống thấm nhiều hạng mục của BV được Sở Y tế duyệt chủ trương từ năm 2001. Sau đó được Sở Kế hoạch - Đầu tư duyệt kinh phí 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án không được thực hiện bởi… nhiều lý do. Đến đầu năm 2005, bệnh viện phải… đi lại từ đầu, nghĩa là lập dự án mới, đồng nghĩa với kinh phí mới: 4,2 tỷ đồng.
Giám đốc BV Bình Dân-Bác sĩ Nguyễn Chí Hùng góp ý, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới một số cơ sở hạ tầng các bệnh viện theo kiểu dàn trải mỗi nơi một ít như hiện nay vừa tốn kém mà hiệu quả lại không cao. Thành phố nên lập danh sách theo thứ tự, đầu tư theo hướng tập trung để giải quyết căn cơ. Những bệnh viện đang xuống cấp nhiều và gồng gánh áp lực quá tải thì được xét đầu tư xây mới trước.
Bên cạnh đó, việc sơn phếch, dặm vá, sửa chữa tại một bệnh viện mỗi năm tốn hàng trăm triệu đồng cần được xem lại. Công tác sửa chữa cũng cần có chiều sâu. BV Bình Dân vừa được duyệt dự án chống thấm, sơn nước toàn bộ bệnh viện với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Sử dụng loại sơn nước sao cho nhân viên có thể lau, rửa vách tường hàng ngày được để đảm bảo vệ sinh, diệt khuẩn. Đầu tư lớn một lần, tuy có tốn kém nhưng đạt hiệu quả về lâu dài.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải trong một buổi làm việc với ngành y tế vào đầu năm 2005: “Để ngành y tế thành phố phát triển mạnh và chuyên sâu hơn, UBND TP đã định hướng nâng nguồn ngân sách đầu tư từ 250 tỷ đồng (năm 2004) lên trên 500 tỷ đồng, ngoài ra còn khoảng 1.000 tỷ đồng của nguồn vốn vay kích cầu để tạo điều kiện cho các cơ sở chủ động đầu tư phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Ngành y tế đầu tư xây dựng thêm một số bệnh viện ở các cửa ngõ thành phố, nhằm giảm lượng bệnh nhân tập trung vào các bệnh viện trung tâm đang quá tải; mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên sâu phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị chính xác-hiệu quả hơn ngang tầm với các nước trong khu vực”. Đây được xem là nguồn vốn đầu tư cho ngành y tế khá lớn so với những năm trước. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế thì chưa thể gọi là đủ, chưa kể các cơ sở đã sử dụng nguồn kinh phí này có hiệu quả hay không?
NGỌC TRƯỚC