“Bão Hàn Quốc” đổ bộ châu Phi

Không chịu thua Trung Quốc trong công cuộc tìm kiếm nguồn tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu nội địa và xây dựng vị thế tại châu Phi, Hàn Quốc cũng đã khởi động cuộc đua vào lục địa đen này.

Không chịu thua Trung Quốc trong công cuộc tìm kiếm nguồn tài nguyên để thỏa mãn nhu cầu nội địa và xây dựng vị thế tại châu Phi, Hàn Quốc cũng đã khởi động cuộc đua vào lục địa đen này.

Trữ lượng khoáng sản ở châu Phi có thể được xem là kho tàng lớn nhất thế giới. Từ châu Phi, người ta sản xuất hơn 21% vàng thế giới, 16% uranium và 13% dầu. Chính vì khối tài sản còn nằm sâu dưới lòng đất chưa được khai thác, hàng loạt các công ty tư nhân và công ty nhà nước của Hàn Quốc đang tăng tốc để có thể chiếm được phần lớn trong chiếc bánh lợi nhuận tại thị trường còn non trẻ ở châu lục đen.

Tập đoàn POSCO đang khai thác một mỏ quặng sắt ở Cameroon, một mỏ đồng ở CHDC Congo và một mỏ than ở Mozambique. Công ty Anchor Holdings hợp tác với một công ty địa phương khai thác mỏ ở Zimbabwe.

Tháng trước, Tập đoàn Korea Gas Corp. của Chính phủ Hàn Quốc vừa “trúng số” khi phát hiện một trữ lượng khí đốt hơn 4.500 tỷ m³ ở ngoài khơi vùng biển Mozambique. Theo thỏa thuận, 10% sản lượng khai thác sẽ thuộc về Hàn Quốc, đủ đáp ứng nhu cầu quốc gia trong 1 năm. Còn đại gia SK Innovation cũng đang góp vốn khai thác 8 mỏ dầu ở 6 nước châu Phi. Tập đoàn khai thác mỏ Nhà nước Korea Resources Corp cũng đang ngày đêm “sục sạo” các mỏ than, uranium và đồng…

Không chỉ đến châu Phi để tìm kiếm nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn nhu cầu nội địa, nhiều công ty Hàn Quốc đang tìm cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường này. Hàng loạt các tập đoàn điện tử, viễn thông và xây dựng Hàn Quốc cũng lũ lượt đổ bộ vào châu Phi vì đây là thị trường tiêu thụ nội địa đầy tiềm năng các sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử…

Các tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử của Hàn Quốc như Samsung và LG cũng đã có mặt với những dự án đầy tham vọng. Trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng điện tử và các thiết bị di động, Samsung lên kế hoạch phải đạt được 10 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2015 tại khu vực cận Sahara.

Còn đại gia LG cũng hợp tác với Emirates Telecommunications Corp., với tên thương mại là Etisalat, đã dấn sâu vào các thị trường châu Phi và Trung Đông. Dự kiến, Etisalat sẽ đáp ứng nhu cầu của khoảng 200 triệu đơn đặt hàng các dịch vụ điện thoại cố định, điện thoại không dây và dịch vụ internet tại 18 quốc gia ở 2 khu vực này. Etisalat còn hy vọng sẽ chiếm khoảng 40% phân khúc thị trường các sản phẩm 3D ở đây.

Theo Korean Times, Chính phủ Hàn Quốc ngày càng tỏ ra tích cực hơn trong việc giúp châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng, nhà máy điện… Tập đoàn STX đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD tại Ghana để xây dựng những khu dân cư và tiện nghi đô thị tại 10 thành phố trong 5 năm tới. Trước đó, Hyun cũng đã giành được một hợp đồng trị giá 250 triệu USD cung cấp máy biến thế cho Nam Phi...

Với lợi thế về nguồn tài nguyên, châu Phi đang là mảnh đất đầu tư màu mỡ. Cũng như Trung Quốc, người Hàn Quốc đánh giá châu Phi không chỉ là kho tài nguyên mà còn là một thị trường, một mục tiêu cho nhiều lĩnh vực đầu tư. Thế cho nên, trong chuyến thăm Ethiopia hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Lee Myung-bak gọi châu Phi là “hy vọng tương lai của hành tinh”.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục