Hội trường Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định sáng 7-12 nhộn nhịp hơn thường ngày. 85 học sinh, sinh viên các trường Đại học Quy Nhơn, Đại học Quang Trung, Cao đẳng Bình Định, các trường THPT… đều xuất thân từ các vùng quê nghèo Tuy Phước ngập lụt triền miên mỗi mùa mưa bão đến; huyện An Nhơn đất đai màu mỡ, quanh năm người dân “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ ăn; huyện miền núi Vân Canh xa xôi cách trở…
Dáng người khắc khổ do phải thức khuya dậy sớm lo việc đồng áng, ông Lưu Văn Vinh (40 tuổi) đưa con gái vào hội trường rồi ngồi bên ngoài hành lang chờ đợi. Ông Vinh quê ở xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn, nhà có 4 sào ruộng lúa. Năm nào không mất mùa thì đủ ăn, mất mùa phải chạy vạy vay mượn hàng xóm, làm thợ đụng để đắp đổi qua ngày. Vì vậy mà 3 người con của ông, 2 đã bỏ học. Cô con gái út Lê Thị Kim Cúc đang học lớp 12 THPT An Nhơn là niềm hy vọng cuối cùng của gia đình. Vậy nên, cả nhà làm lụng, chi tiêu tiết kiệm dồn vào việc học cho con.
Ông Vinh tự hào khoe, 11 năm học qua, năm nào Cúc cũng đạt học sinh tiên tiến. “Gia đình động viên cháu thi Cao đẳng Sư phạm Bình Định, gần nhà cho đỡ tốn kém…”, ông Vinh chia sẻ.
Không được may mắn như Cúc, Đặng Thị Huệ, sinh viên Cao đẳng Sư phạm Bình Định, khóc thút thít khi hỏi đến hoàn cảnh gia đình. “Mẹ em bị bệnh tim, đang điều trị tại TPHCM. Chị gái làm công nhân may trong đó, cuộc sống chật vật lắm”, Huệ kể mà nước mắt lăn dài. Nhà Huệ có 6 anh chị em. Các anh chị lớn đã có gia đình riêng nên khi mẹ đi chữa bệnh, Huệ phụ ba làm ruộng.
“Dạo này, bỏ ruộng hoang vì sức ba yếu, em đi học xa phải ở trọ. Để có tiền đóng học phí, đầu năm ba em đi vay được hơn 1,2 triệu đồng. Nghĩ vậy nên em cố gắng học lấy học bổng bù lại. Năm rồi kết quả học khá, nên số học bổng em nhận được bằng số học phí phải đóng. Được nhận 1,5 triệu đồng, học kỳ tới em không lo học phí nữa rồi”, Huệ xúc động…
Các em mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng tựu chung là sự kiên trì, cần cù chịu khó, biết vượt lên số phận để nuôi ước mơ từ ghế nhà trường để vượt khó, cống hiến cho gia đình và xã hội.
Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến chúc mừng các em học sinh đã vượt khó khăn, học giỏi để hôm nay được nhận học bổng, đồng thời hy vọng các em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, vươn lên trong học tập, đạt được nhiều tiến bộ mới. Ông phát biểu: “Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là góp phần nhỏ khuyến khích các em vượt qua nghịch cảnh, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ tiếp tục có cơ hội ngồi trên ghế nhà trường, trau dồi nguồn nhân lực cho thế hệ tương lai có trình độ, tri thức trong bối cảnh đất nước hội nhập”.
Phó Tổng biên tập Lê Tiền Tuyến cũng thông tin thêm: “Thời gian qua, Báo SGGP Đầu tư - Tài chính đã trao học bổng khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Phú Yên; các trường đại học ở TPHCM, ĐBSCL… và sắp tới sẽ tiếp tục vận động các mạnh thường quân giúp đỡ các em thông qua Quỹ học bổng Báo SGGP Đầu tư - Tài chính”.
| |
Hà Minh