Bảo vệ đến cùng cán bộ sáng tạo vì lợi ích chung

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa Võ Chí Vương phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa Võ Chí Vương phát biểu tại hội nghị

Ngày 27-3, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý về 3 dự thảo Nghị định thực hiện trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới, gồm: Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, chia sẻ, do không được tăng số lượng biên chế, nhiều cán bộ cấp xã, nhất là ở các bộ phận như địa chính, kinh tế - xã hội, bộ phận một cửa, được ví như “siêu nhân” khi công việc quá nhiều, nhưng chế độ chính sách dành cho họ rất khiêm tốn. Do vậy, dự thảo nghị định này cần xem xét tăng số lượng biên chế và các chế độ, chính sách phù hợp. Theo dự thảo, giai đoạn 2023-2025, nếu phường thuộc thị xã, dân số cứ tăng thêm đủ 2.500 người thì được tính thêm một công chức; còn xã miền núi, vùng cao thì 1.000 dân được tăng thêm một công chức.

Ông Võ Chí Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, đề xuất: Cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản được hưởng phụ cấp rất thấp. Do đó, nghị định cần xem xét có chính sách miễn, giảm tiền bảo hiểm xã hội, phí công đoàn; đồng thời cho phép cân đối, sử dụng một phần ngân sách địa phương nhằm tăng thêm phụ cấp cho những đối tượng này.

Đối với Nghị định quy định tinh giản biên chế, đa phần các đại biểu đồng tình với nội dung của dự thảo.

Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nhiều đại biểu phân vân về tính pháp lý cũng như khả năng áp dụng vào thực tiễn của nghị định.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng bày tỏ: Nghị định mới chỉ là giải pháp mang tính tình thế, về căn cơ lâu dài cần phải hoàn chỉnh để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật. Cán bộ đột phá, dám nghĩ, dám làm nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật, mà pháp luật lại do Quốc hội thông qua. Vậy thẩm quyền ban hành nghị định này có phù hợp?

Nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt nên thực hiện thí điểm, không nên thực hiện đại trà, sau này phát sinh những vấn đề rắc rối sẽ rất khó xử lý.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phân tích: Dự thảo đang đưa ra đã xác định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ năng động, sáng tạo. Mặt khác cũng nêu trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền có liên quan, làm sao tạo ra được môi trường chính trị, xã hội để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo nhưng đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ đội ngũ cán bộ này đến cùng khi họ gặp rủi ro do những yếu tố khách quan, chủ quan.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, chúng ta làm thí điểm trên thực tế, xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai các bước theo quy trình, tránh những rủi ro và đặc biệt là cũng tránh việc lợi dụng việc “dám nghĩ, dám làm” để vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục