(SGGPO). - Sáng 9-12, Bộ y tế phối hợp với báo Lao động tổ chức cuộc tọa đàm “Bảo vệ người lao động ngành Y, chống bạo hành trong bệnh viện”.
Thống kê sơ bộ từ năm 2013 đến nay, tại các bệnh viện trong toàn quốc đã xảy ra 14 vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế khi đang thực thi nhiệm vụ. Trong đó có những vụ, bác sĩ bị hành hung tới mức bị chấn thương rất nặng, thậm chí có bác sĩ đã thiệt mạng do bị người nhà bệnh nhân sử dụng hung khí để hành hung.
Diễn biến vụ hành hung cán bộ y tế tại bệnh viện Bạch Mai sáng 25-7-2014 do camera của bệnh viện ghi lại
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mặc dù hiện chưa có thống kê đầy đủ về các vụ bạo hành nhân viên y tế, gây mất an ninh trật tự trong bệnh viện nhưng thực tế tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng mất an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh là do nhiều bệnh viện chưa quan tâm đúng mức tới các biện pháp bảo vệ và đảm bảo an ninh trật tự. Bên cạnh đó là tình trạng quá tải bệnh viện, đặc biệt là còn hiện tượng một số cán bộ y tế có thái độ ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân chưa thật sự chuẩn mực và hợp lý. Tình trạng trên còn là hồi chuông báo động về đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng, trong khi khung pháp lý chưa đủ sức răn đe.
Để có thể giải quyết được tình trạng này, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, trước hết y, bác sĩ phải nâng cao tính chuyên nghiệp, coi người bệnh là trọng tâm để phục vụ. Cán bộ y tế tại các bệnh viện không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà cần có các kỹ năng mềm như: ứng xử giao tiếp với người bệnh, thấu hiểu tâm lý người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cần đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng an ninh bệnh viện như lắp đặt hệ thống camara, hệ thống cửa từ, chuông báo động, kiểm soát việc ra vào của người nhà bệnh nhân. Đặc biệt phải thường xuyên giáo dục, đào tạo nhân viên bệnh viện kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh, đồng thời tổ chức tốt bộ máy bảo vệ, an ninh và hợp tác chặt chẽ với cơ quan công an phụ trách địa bàn.
Trong khi đó, chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lý giải, tai biến y khoa, rủi ro nghề nghiệp với ngành y khó tránh khỏi và đây cũng là vấn đề toàn cầu. Trong số sai sót y khoa có 30% là do lỗi của cá nhân y, bác sĩ và 70% do lỗi hệ thống. Do đó, nếu chúng ta không có cái nhìn khách quan mà quy chụp cho cá nhân cán bộ y tế là không đúng và thiếu công bằng.
GS Trần Quỵ cũng chỉ rõ căn nguyên chính của việc người nhà bệnh nhân hành hung y, bác sĩ là do họ bị bức xúc hoặc có thể do sai sót của chính y, bác sĩ. Vì thế để hạn chế được thực trạng trên thì điều quan trọng là cán bộ y tế phải hạn chế tối đa việc để xảy ra sai sót trong quá trình khám chữa bệnh. Thứ hai là phải biết lấy người bệnh làm trung tâm, biết giao tiếp ứng xử và cuối cùng là cộng đồng xã hội cần có trách nhiệm giúp đỡ và chia sẻ đối với cán bộ y tế.
Còn GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, để không còn xảy ra các vụ hành hung y, bác sĩ thì ngoài các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trong bệnh viện thì cần sự thông cảm, chia sẻ, của người dân, người nhà bệnh nhân với ngành Y và với y bác sĩ.
KHÁNH NGUYỄN
>> Đang trực cấp cứu, bác sỹ bệnh viện Bạch Mai bị hành hung
>> Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện
>> Khởi tố vụ án và bị can vụ đánh bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai
>> Bắt khẩn cấp đối tượng hành hung bác sĩ, điều dưỡng