Bảo vệ thương hiệu

Xâm phạm bản quyền là vấn đề pháp lý còn nhiều lỗ hổng. Tỷ lệ vụ kiện được xử lý đến cùng chỉ là số ít. Ngoài xâm phạm bản quyền gây thiệt hại lớn về vật chất là xâm phạm hình ảnh cá nhân gây tổn thất chủ yếu về mặt tinh thần.

Tháng 2 tới, Công ty Inicons của Trung Quốc sẽ tung ra loạt búp bê có tạo hình là huyền thoại công nghệ Steve Jobs của hãng Apple (Mỹ). Mỗi búp bê cao 30,4 cm này được bán với giá 99 USD. Inicons đã nhận nhiều đơn đặt hàng trực tuyến sản phẩm trên. Trung Quốc là một trong những nơi tập trung đông đảo tín đồ của Apple nên việc tung ra thị trường những sản phẩm mang đậm dấu ấn của Steve Jobs hứa hẹn tạo doanh thu cao cho Inicons.

Đại diện Apple ngay lập tức có phản ứng, gửi thư đến Tandy Cheung, người đứng đầu Inicons, kêu gọi công ty ngừng việc “ra lò” sản phẩm trên với cáo buộc xâm phạm quyền công khai hình ảnh Steve Jobs. Luật sư phụ trách mảng sở hữu trí tuệ Lawrence Townsend, đại diện pháp lý của Apple, cho biết, Inicons đã xâm phạm quyền về công khai hình ảnh có liên quan đến một cá nhân. Steve Jobs đã sống ở California (Mỹ), nơi ông được bảo hộ bởi Đạo luật quyền của người nổi tiếng - đưa quyền về công khai hình ảnh vào một trong những nội dung được áp dụng. Theo đó, Steve Jobs được bảo hộ về hình ảnh trong vòng 70 năm sau khi ông qua đời.

Tandy Cheung tỏ ra phớt lờ với lời kêu gọi từ Apple. Trả lời hãng tin ABC của Mỹ, Tandy khẳng định, Apple có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Inicons sẽ không dừng việc sản xuất. Thái độ cứng cựa của người đứng đầu Inicons cho thấy, rõ ràng có một lỗ hổng pháp lý về bảo hộ thương hiệu cá nhân ở phạm vi toàn cầu mà nạn nhân là một công ty lớn, mang tầm quốc tế như Apple. Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm búp bê ăn theo Steve Jobs ra đời.

Cuối năm 2010, M.I.C Gadget, công ty sản xuất đồ chơi trẻ em cũng của Trung Quốc sau khi xuất xưởng 300 búp bê mô phỏng Steve Jobs đã bị Ủy ban luật của Apple (AAPL) gửi đơn phản ánh và hậu quả là công ty này phải thu hồi các sản phẩm trên. Vì thế, việc bất chấp pháp luật và cố tình xâm phạm hình ảnh Steve Jobs của Inicons lần này là lời thách thức đối với những người làm luật, cơ quan thi hành pháp luật và thể hiện sự không tôn trọng những cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.

Apple không lạ gì với những vụ kiện về bảo hộ thương hiệu, bản quyền dù đã có những vụ Apple phải lùi một bước. Tòa án Thâm Quyến (Trung Quốc) đầu tháng trước đã bác đơn kiện mà Apple cáo buộc hãng công nghệ Proview Technology đặt tại Trung Quốc vi phạm bản quyền thương hiệu iPad.

Kết quả, Proview khẳng định đã đăng ký bản quyền thương hiệu iPad từ năm 2000 cho các sản phẩm của mình tại nhiều nước, trong đó có Trung Quốc (Apple phát triển máy tính bảng iPad năm 2010). Vì thế, Proview đã lên kế hoạch kiện ngược lại Apple và nếu Proview thắng kiện, thương hiệu iPad của Apple sẽ bị cấm sử dụng ở Trung Quốc và Apple phải đền bù thiệt hại đến 1,5 tỷ USD.

Câu chuyện bảo hộ thương hiệu, bảo hộ hình ảnh cá nhân dưới góc độ pháp lý là câu chuyện còn nhiều bất cập và hạn chế trong quá trình thực hiện. Dưới góc độ kinh tế, đây là điểm mấu chốt để đảm bảo “sức khỏe” của những thương hiệu lớn trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Apple dù là tên tuổi lớn trên thị trường vẫn lúng túng khi gặp rắc rối bảo hộ bản quyền. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục