Bất an với thực phẩm bán online

Khi dịch Covid-19 quay trở lại cùng với các biện pháp giãn cách, phong tỏa, người dân ngại tiếp xúc trực tiếp dẫn đến nhu cầu mua sắm online tăng cao. Đặc biệt, nhiều người dân, hộ gia đình tranh thủ chế biến thức ăn bán qua mạng để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) từ loại hình thực phẩm này rất lớn và khó kiểm soát.
Mua thực phẩm online, giao hàng tận nơi ngày càng phổ biến
Mua thực phẩm online, giao hàng tận nơi ngày càng phổ biến

Chất lượng “thả nổi” 

Lướt một vòng các trang mạng xã hội những ngày này cho thấy “thị trường” thực phẩm chế biến sẵn bán online rất sôi động, từ chân gà sả ớt, gà quay, nhũ dê nướng đến lẩu dê, lẩu bò…hầu như không thiếu món nào. “Trời mưa thế này, chế nào cần lai rai thì có lẩu bò đặc biệt ship tận nơi nha”, một tài khoản facebook Tèo bò tơ chào mời kèm theo hình ảnh nồi lẩu nghi ngút khói. “Cơm đúng chất mẹ nấu, thực đơn 7 món tha hồ lựa chọn, đảm bảo vệ sinh, miễn phí ship khu vực quận 4”, một tài khoản facebook Comhuongq4 quảng cáo… 

Rất dễ tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào, từ tươi sống đến chế biến sẵn, thực phẩm nhà làm, đồ ăn vặt, đồ đông lạnh, trái cây, đặc sản các vùng miền... rao tràn lan trên các trang mạng. Hầu hết các điểm bán đều giới thiệu kèm hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon và cam đoan bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Tuy nhiên, theo một số bà nội trợ thì vẫn cảm thấy bất an vì khó kiểm chứng chất lượng. Chị Lữ Hồng Cúc (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Tôi thường đặt đồ ăn chế biến sẵn thông qua các đơn vị vận chuyển, nhất là trong thời gian dịch Covid-19. Tôi thường chọn mua đồ ăn tại các hàng quán uy tín, cửa hàng quen, có địa chỉ rõ ràng”. Chị Phan Thị Như (nhân viên ngân hàng, ngụ quận Bình Thạnh) e ngại: “Trưa nào tôi cũng ở lại cơ quan và đặt cơm về ăn nhưng nay hạn chế vì có lúc phần cơm nhận được nguội ngắt, cứng đơ, thức ăn cũ, có mùi khó chịu”…

Thực tế, các loại thực phẩm bán trên mạng, nhất là thức ăn chế biến sẵn, món nhà làm đang bị thả nổi về chất lượng. Hình thức kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy phép, không chứng nhận ATTP, không địa chỉ chính xác, chỉ làm theo mùa vụ hoặc rao bán qua trung gian. 

Cần cơ quan chức năng giám sát chặt

Anh Nguyễn Văn Thanh Hiền (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) băn khoăn: “Nhu cầu mua bán thực phẩm online rất lớn nhưng khó kiểm chứng chất lượng, nguồn gốc và cách chế biến. Hầu hết các “chợ thực phẩm” online chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra, kiểm soát chất lượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”. Trong khi đó, anh Bùi Nguyễn Thành Phát (29 tuổi, một nhân viên giao hàng) cho biết: “Tôi không ít lần bắt gặp các cơ sở chế biến thực phẩm ngay trong phòng trọ ẩm thấp, nhiều loại nguyên liệu để dưới nền đất không đảm bảo vệ sinh ATTP”.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh online đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người bán và người mua. Tuy nhiên, nó cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiếu cơ chế quản lý. Theo Ban Quản lý ATTP TPHCM, công tác hậu kiểm đang được đẩy mạnh, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lan truyền qua thực phẩm. PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, nhấn mạnh, việc kiểm soát thực phẩm mua bán online đang đặt ra nhiều vấn đề, nhưng mấu chốt vẫn là trách nhiệm giám sát, quản lý của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng chuyên trách. Cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn; tăng cường ứng dụng công nghệ để kịp thời phát hiện những thực phẩm sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm, phẩm màu độc hại, chất phụ gia… Tuy nhiên, trên hết, theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong là tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người chế biến thực phẩm; người tiêu dùng cần ý thức khi lựa chọn thực phẩm, tố giác những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn.

* Chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp: Lưu ý khi chọn mua thực phẩm online 

Khi chọn mua thực phẩm online nên chọn nơi uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Sau đó là chọn đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyên nghiệp vì họ thường sẵn có dụng cụ bảo quản. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng. Nhiều người quá lo lắng về dịch bệnh nên đã mua và dự trữ rất nhiều thực phẩm. Tuy nhiên, việc này lại có tác hại như thực phẩm sẽ dễ bị hư hỏng nếu không được sử dụng đúng hạn, kịp thời; đặc biệt là các thực phẩm tươi sống sẽ dễ bị hư, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus, hãy thực hiện các biện pháp an toàn khi nhận hàng. Các cửa hàng và nhà hàng bán thức ăn trong hộp đựng, nhưng để an toàn trong mùa dịch, hãy chuyển thực phẩm vào đồ đựng của gia đình, bỏ bao bì rồi rửa tay với xà phòng...

Tin cùng chuyên mục