Từ quản lý đất công
Báo cáo của UBND huyện Củ Chi với Đoàn giám sát của HĐND TPHCM về công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn ngày 15-5 vừa qua, cho thấy hiện nay trên địa bàn huyện Củ Chi có 509 tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 5.086ha, qua kiểm tra phát hiện 27 tổ chức vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích hơn 736ha.
Ngoài ra, qua kiểm tra có khoảng 1.000 trường hợp người dân lấn chiếm, sử dụng đất công từ nhiều năm nay; có 238 địa chỉ nhà đất do Nhà nước quản lý nhưng chưa kê khai, chưa đưa vào danh sách xử lý theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ).
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết hiện nay UBND huyện gặp khó khăn trong việc thu hồi đất đối với các tổ chức kinh tế không còn sử dụng đất hoặc để thực hiện dự án. Lý do, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay, UBND huyện Củ Chi chưa thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các tổ chức nước ngoài hoạt động trên địa bàn, nên trình tự, cách tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, cần sự hướng dẫn của các sở, ngành TP.
Về công tác lập kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, UBND huyện Củ Chi đề xuất UBND TP giao Sở TN-MT tham mưu UBND TP ban hành thông báo và thu hồi đất; hoặc ủy quyền cho UBND huyện ra thông báo và quyết định thu hồi đất đối với các dự án phải thu hồi đất, ngay sau khi được HĐND TP thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất.
Đối với các khu đất đã có phương án sử dụng, trong lúc chờ thực hiện để sử dụng quỹ đất hiệu quả phải đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tình trạng lấn chiếm… UBND huyện đề nghị TP cho huyện tạm cho thuê để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước…
Đại diện Đoàn giám sát của HĐND TP đề nghị Củ Chi cần phân tích làm rõ những khó khăn trong công tác quản lý đất công trên địa bàn huyện do cơ chế chính sách còn bất cập hay do công tác quản lý yếu kém. Nhiều tổ chức thuê đất nhà nước có sai phạm nhưng chậm xử lý, huyện cũng cần rà soát lại công tác cho thuê.
Bởi trên thực tế nhiều quận huyện đem đất công cho thuê nhưng đơn vị thuê không trả tiền thuê rồi bỏ trốn… Việc người dân lấn chiếm đất công, theo ý kiến các đại biểu cần xem xét một cách thấu đáo, thời điểm người dân sử dụng so với các quy định pháp luật về đất đai để giải quyết hợp tình hợp lý, không thất thoát tài sản nhà nước, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đến quản lý dự án
"Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các quy định pháp luật, tham khảo ý kiến đề xuất của các quận, huyện thống nhất khái niệm và hướng dẫn cụ thể chức năng công trình được phép xây dựng trong các khu quy hoạch đất hỗn hợp không có chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và trong các khu đất dân cư xây dựng mới để làm cơ sở xác định chức năng công trình riêng lẻ cho các khu đất này. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh quy hoạch các khu đất hỗn hợp hoặc các khu đất dân cư xây dựng mới có bố trí các chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, có hướng dẫn thống nhất đối với 24 quận, huyện về vấn đề tách thửa." - Ông TRƯƠNG TRUNG KIÊN,Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM
Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết khu đất này thuộc thửa đất số 75, tờ bản đồ số 41, phường Linh Đông. Hiện nay UBND quận Thủ Đức chưa có hồ sơ pháp lý nào của cấp có thẩm quyền công nhận việc triển khai xây dựng dự án nhà ở hay hồ sơ xin làm hạ tầng giao thông tại thửa đất này.
Cũng theo ông Dũng, việc phân lô tách thửa trên địa bàn TPHCM hiện nay phải theo quy định tại Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, ngày 5-12-2017 của UBND TP. Mặc dù vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định này vẫn chưa được các sở ngành liên quan hoàn thiện.
Không chỉ riêng trên địa bàn Thủ Đức, ở nhiều quận huyện vùng ven lợi dụng cơn sốt đất đang lan rộng, nhiều công ty bất động sản thiếu uy tín đang vẽ ra những “dự án ma” để bán cho khách hàng. Cách đây chưa lâu, một doanh nghiệp ở quận 7 sang quận 12 đem đất quy hoạch công viên vẽ thành dự án rồi phân lô bán nền tiếp thị chào bán ra thị trường. Liên quan đến việc phân lô bán nền trái phép, trước đây dự án Heart Land tại quận Tân Phú, cũng được môi giới rao bán dưới danh nghĩa dự án do Nam Việt Homes làm chủ đầu tư.
Dự án Heart Land thực ra bao gồm 9 thửa đất đứng tên cá nhân, được UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 3.684,5m2. Toàn bộ các thửa đất này đang được chủ đất “cắm” trong ngân hàng và khu đất đã bị địa phương đình chỉ thi công vì chưa hoàn thành pháp lý.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết việc quản lý các dự án bất động sản về nguyên tắc rất chặt chẽ, dự án nào muốn bán phải đủ điều kiện theo quy định và được Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều công ty làm ăn chụp giựt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Do đó khách hàng phải hết sức tỉnh táo khi giao dịch nhà đất.