Bất chấp khó khăn, số thu ngân sách của TPHCM tăng mạnh

Chiều 30-6, Cục thống kê TPHCM tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Mặc cho những khó khăn về nguồn cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu thế giới tăng... số thu ngân sách 6 tháng đầu năm của TP vẫn tăng hơn 17%. 
Công nhân làm việc tại một khu chế xuất của TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG
Công nhân làm việc tại một khu chế xuất của TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG

Các ngành phục hồi và tăng trưởng

 Theo nhận định của Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng, kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp giá cả hàng hóa, nhiên liệu liên tục tăng và sự gián đoạn chuỗi cung cứng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ổn định, hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại, hoạt động xuất khẩu tăng tốc, tín dụng tăng trưởng ổn định đã hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế.

Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 511.910 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất, có mức tăng trưởng 4,83% trong bối cảnh các hoạt động dịch vụ vừa bắt đầu hồi phục sau khi chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 2,23%; khu vực nông nghiệp đóng góp thấp nhất, chỉ tăng 1,77%.

Trong cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 thì khu vực thương mại dịch vụ chiếm cao nhất, đến 64%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,5% và khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,5%. Trong ngành dịch vụ thì giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 58,8% trong GRDP và chiếm 91,8% trong khu vực dịch vụ như ngành thương nghiệp (16,9%), vận tải kho bãi (9,8%), tài chính ngân hàng (8,9%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,6%)...

Thu ngân sách tăng 17,5%

 Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 238.648 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 156.830 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán, chiếm 65,7% tổng thu cân đối và tăng 17,6% so với cùng kỳ. 

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi và khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2-2022 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 3,1%, có 20/30 ngành công nghiệp cấp hai có mức tăng trưởng dương. 

Cấp phép thành lập doanh nghiệp trong nước tăng 13,4%, trong đó doanh nghiệp ngành công nghiệp tăng cao nhất 19,1%; thu hút vốn FDI đạt 2,21 tỷ USD tăng 55,2%. Đây là những tín hiệu khả quan chứng tỏ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có niềm tin vào chính sách phục hồi kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Thành phố.

Tuy nhiên, theo Cục thống kê và các ngành chuyên môn, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thì từ nay đến cuối năm, TP cần tập trung giải quyết nhanh, hiệu quả các nội dung chủ yếu sau đây: thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện phục hồi và phát triển cho doanh nghiệp, như đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai. Giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kiểm soát giá cả trên địa bàn thông qua các chương trình bình ổn giá; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm nhằm thu hút nhà đầu tư FDI lớn, chú trọng cải thiện chỉ số PCI, PAR INDEX; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công - xem đây là nhiệm vụ cấp bách, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành trong toàn xã hội; hoàn thiện quyết liệt Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và Chương trình Chuyển đổi số, trong đó kinh tế số được xem là động lực tăng trưởng tương lai của TP.

Tin cùng chuyên mục