(SGGP).- Ngày 9-2, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các doanh nghiệp đã hoàn tất công tác thử nghiệm để sẵn sàng cho việc chuyển mã vùng điện thoại cố định tại 13 tỉnh, thành đầu tiên, bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-2.
Theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn phê chuẩn tại Quyết định số 2036 ngày 21-11-2016, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định hiện tại của 59/63 tỉnh, TP trên toàn quốc sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-2-2017 và hoàn tất vào 31-8-2017. Mã vùng điện thoại của 4 tỉnh được giữ nguyên là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang. Sau chuyển đổi, mã vùng điện thoại cố định của tất cả các tỉnh, TP trong cả nước đều bắt đầu với số 2 và có 3 số (2XX); riêng Hà Nội và TPHCM sẽ có mã 2 số (Hà Nội là 24 và TPHCM là 28). Số điện thoại cố định riêng của tất cả thuê bao hiện nay đều được giữ nguyên, không có bất kỳ thay đổi nào. Sau khi chuyển đổi xong, dãy số liên lạc của tất cả các số điện thoại cố định của Việt Nam đều là 11 số (0 + số mã vùng + số thuê bao).
Có 13 tỉnh, TP nằm trong diện đổi mã vùng điện thoại đợt 1 gồm: Sơn La, mã cũ 22, mã mới 212; Lai Châu, mã cũ 231, mã mới 213; Lào Cai, mã cũ 20, mã mới 214; Điện Biên, mã cũ 230, mã mới 215; Yên Bái, mã cũ 29, mã mới 216; Quảng Bình, mã cũ 52, mã mới 232; Quảng Trị, mã cũ 53, mã mới 233; Thừa Thiên - Huế, mã cũ 54, mã mới 234; Quảng Nam, mã cũ 510, mã mới 235; Đà Nẵng, mã cũ 511, mã mới 236; Thanh Hóa, mã cũ 37, mã mới 237; Nghệ An, mã cũ 38, mã mới 238; Hà Tĩnh, mã cũ 39, mã mới 239.
Theo Bộ TT-TT, để đảm bảo chuyển đổi mã vùng được nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ mà vẫn đáp ứng yêu cầu quay số song song, việc chuyển đổi mã vùng được phân thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào 23 giờ 59 ngày 14-4-2017. Giai đoạn 2 thực hiện chuyển đổi có 23 tỉnh, TP; thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-4-2017, hoàn thành vào 23 giờ 59 ngày 16-6-2017. Giai đoạn 3 có 23 tỉnh, TP; bắt đầu từ 0 giờ ngày 17-6-2017, hoàn thành vào 23 giờ 59 ngày 31-8-2017.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết, việc chuyển đổi này sẽ giải phóng và thêm vào tài nguyên kho số khoảng 600 triệu đầu số. Dự kiến 100 triệu số sẽ dùng cho dịch vụ điện thoại vệ tinh, điện thoại Internet, đầu số dự phòng, cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an; 500 triệu số còn lại sẽ được phân bổ để phát triển thuê bao di động và các dịch vụ mới. Cũng theo quy hoạch, sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi mã vùng cố định, Bộ TT-TT sẽ cho phép các mạng di động thực hiện chuyển đổi các thuê bao di động 11 số hiện nay thành 10 số, theo đầu số của từng nhà mạng để thống nhất dịch vụ di động ở Việt Nam chỉ có dải 10 số.
TRẦN LƯU