
Cách nay chừng 7 - 10 năm, ngành y tế bị “dội bom” bởi sự chạy đua của hệ thống y tế tư nhân, nhất là sự xuất hiện của hàng loạt bệnh viện (BV) tư nhân: Hoàn Mỹ, Triều An, An Sinh, Vạn Hạnh, Phụ sản Quốc tế Sài Gòn… Và tiếp đó là BV Vũ Anh, Phổ Quang, Phú Thọ, Thành Đô, STO Phương Đông, Hồng Đức…
Tuy nhiên đến nay, trong hệ thống y tế tư nhân thì có BV phát triển, có BV chuyển đổi chủ sở hữu nhưng cũng không ít BV lay lắt, “vùng vẫy” để tồn tại do không thu hút được người bệnh…

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện tư
Chạy vạy… nguồn bệnh
Đi vào hoạt động từ 2 năm nay, BV Quốc tế P.A.K ở quận 2 có quy mô tới 500 giường, thiết kế và trang bị hiện đại, đẳng cấp quốc tế nhưng chỉ mới vận hành được 100 giường. “Khá khó khăn khi BV mới ra đời. Trước hết là thu hút nguồn lực y bác sĩ có tay nghề, rồi thu hút người bệnh. Nhưng xem ra chưa đáng kể”, Tổng Giám đốc BV P.A.K ngao ngán. Để tăng nguồn bệnh nhân, BV Quốc tế P.A.K đã cố gắng triển khai nhiều kỹ thuật mới mà các BV công lập chưa có, liên kết với các hội nghề nghiệp để sàng lọc người bệnh… “Hiện BV vẫn phải vay ngân hàng, bù lỗ. Nhưng cái quan trọng là được phục vụ người bệnh tốt nhất”, Tổng Giám đốc BV Quốc tế P.A.K cho biết. Tương tự, đã nhận bệnh từ 3 năm qua nhưng BV Quốc tế City (quận Bình Tân, TPHCM) đang cải tổ lại bộ máy để phù hợp với nhu cầu và giá trị dịch vụ. “Vốn dĩ được đầu tư theo mô hình tiên tiến, BV Quốc tế City được sánh ngang các BV đẳng cấp của Singapore, nhưng sau một thời gian hoạt động đã không thu hút được đáng kể lượng người bệnh”, TS Lê Quốc Sử, Tổng Giám đốc BV Quốc tế City, trăn trở. Để tăng nguồn bệnh nhân, từ 1-7 vừa qua, BV Quốc tế City cũng đã phải “nhảy” vào triển khai chương trình khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Những BV tư nhân khác đã đưa vào hoạt động trước đó cũng đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nếu không nói là hấp hối! Hơn hai năm nay, BV Đa khoa Phú Thọ ở đường Độc Lập (quận Tân Phú) hoạt động cầm cự qua ngày. BV có tới 500 giường nhưng có ngày chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhân đến thăm khám. Hiện BV chỉ còn Khoa Cấp cứu hoạt động, các khoa khác gần như đã tạm ngưng! Cùng chung cảnh ngộ là BV Quốc tế V.A (quận Gò Vấp) có quy mô 200 giường, được ví như khách sạn - bệnh viện 4 sao đầu tiên ở TPHCM, hiện mỗi ngày chỉ tiếp nhận vài ba chục bệnh nhân, con số quá nhỏ so với năng lực đầu tư… Một số BV tư khác được đánh giá hoạt động tốt hơn như BV Hoàn Mỹ Sài Gòn nhưng cũng đang gồng gánh nhiều chi phí, chưa thực sự tương xứng với điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự và chưa “chạy” hết công suất sẵn có.
Cần sự điều tiết
Trong khi các BV tư nhân có cơ sở vật chất đầu tư tốt, thiết bị hiện đại chưa hoạt động hết công suất, có nơi mới chỉ khoảng 30% - 50% công suất thì các BV công lập lại vẫn quá tải nghiêm trọng. Hơn nữa, các BV công lập cũng “nhảy” vào làm dịch vụ theo kiểu chắp vá, lấy của công làm dịch vụ! “Tư nhân hóa BV công bằng cách xã hội hóa và lấy cơ sở vật chất của Nhà nước để đầu tư dịch vụ đang nở rộ”, một chuyên gia y tế nhìn nhận. Đó là chưa kể các dịch vụ chụp, chiếu trong BV công cũng loạn xạ! Theo các chuyên gia y tế, vào các BV công hiện nay đều thấp thoáng bóng dáng của BV tư. Song BV tư được đầu tư bài bản, chăm sóc nhiệt tình nhưng giá có nơi còn chưa cao bằng dịch vụ BV công.
Vậy tại sao cũng dịch vụ tốt mà BV tư vẫn đang thoi thóp, trong khi dịch vụ ở BV công lại ăn nên làm ra? Theo các chuyên gia y tế, người bệnh đang trở thành miếng mồi ngon cho hàng loạt kiểu “kinh doanh dịch vụ” trong BV công. Mặt khác, hiện chính sách y tế chưa công bằng giữa BV công và tư. Có loại kỹ thuật người bệnh được hưởng BHYT ở BV tư thấp hơn ở BV công. Ngay cả BV tư muốn được ký hợp đồng khám BHYT cũng bị thẩm định, kiểm tra gắt gao hơn nhiều nhưng cũng chỉ được “cấp” một lượng thẻ BHYT nhất định… Vậy giải pháp nào cho sự hợp tác nhằm khai thác công suất giường bệnh dư thừa của các BV tư? Th.S-BS Mai Tiến Dũng, Tổng Giám đốc BV Quốc tế IPAK (quận 2), cho rằng vẫn còn khó khăn khi đề nghị hợp tác, cụ thể là triển khai khoa vệ tinh của BV công tại BV tư cũng gian nan. Khó cạnh tranh với các BV công, các BV tư đang xoay xở để tồn tại. Xem ra đã đến lúc cần sự vào cuộc của Bộ Y tế để điều tiết giữa y tế công - tư, tận dụng được nguồn lực xã hội để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Theo Bộ Y tế, hiện nay cả nước có 157 BV tư nhân với 151 BV vốn đầu tư trong nước và 6 BV vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng 60% bác sĩ ở cơ sở y tế tư nhân là những người đang làm việc ở BV công. Chỉ có 15% BV tư nhân đạt được tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên 60%, số còn lại chỉ hoạt động 40% - 60% công suất thiết kế. Chỉ riêng TPHCM hiện có khoảng 35 BV tư, nhưng khoảng 15% trong số này phải rao bán do khó khăn về tài chính.
TƯỜNG LÂM