Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) là sáng kiến do Singapore đề xuất, với 26 thành phố từ các quốc gia thành viên tham gia thí điểm. ASCN là một nền tảng hợp tác, trong đó, các thành phố trong mạng lưới sẽ hợp tác cùng nhau, hướng tới 3 mục tiêu là tạo ra nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao, dựa trên nền tảng là ứng dụng công nghệ. Trong khuôn khổ ASCN, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã triển khai hiệu quả các dự án thành phố thông minh tại nước mình. Thái Lan đang thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa, với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn 2 thập niên tới. Thành phố Phuket, một trong 3 thành phố tham gia ASCN của Thái Lan, đang áp dụng các biện pháp an ninh dựa trên ứng dụng thông minh như lắp đặt hệ thống camera theo dõi trên đường phố hay trên biển, lắp đặt hệ thống cảm biến đo được sự thay đổi về môi trường biển… Trong khi đó, tại Indonesia, có 10 thành phố đã áp dụng thẻ thông minh để cung cấp các dịch vụ xã hội tích hợp.
Tuy nhiên, con đường xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh tại ASEAN vẫn còn nhiều gian truân. Do việc truy cập internet là điều kiện bắt buộc cho nên việc các quốc gia ASEAN có sự khác biệt về trình độ công nghệ cũng là một rào cản đối với sự hợp tác. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư là một vấn đề lớn. Cơ quan Thúc đẩy kinh tế số (DEPA) của Thái Lan cho biết, khả năng tiếp cận vốn là trở ngại lớn đối với việc phát triển thành phố thông minh ở các nước Đông Nam Á, do các nước này phải vật lộn tìm kiếm các nguồn đầu tư cho những dự án cơ sở hạ tầng chi phí cao. Hiện, DEPA đang hối thúc chính quyền các thành phố của Thái Lan hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhằm bảo đảm vốn cho các dự án phát triển đô thị thông minh. Thiếu hụt nguồn nhân lực cũng là một lý do khiến ASEAN gặp khó khăn trong việc khai thác cơ hội từ nền kinh tế kỹ thuật số. Theo công ty tư vấn quản lý Bain & Company có trụ sở tại Mỹ, hiện 45% số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN thiếu hụt kiến thức về công nghệ số.
Chính phủ Thái Lan cho biết, nền tảng dữ liệu thành phố để triển khai thành phố thông minh được thiết lập để khởi động trong năm nay, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi, trong khi ít nhất 100 dịch vụ điện tử dự kiến sẽ được cung cấp cho người dân Thái Lan vào năm 2022. Các lĩnh vực phát triển bao gồm: kinh tế thông minh, di động thông minh, năng lượng thông minh, sống thông minh, người thông minh, quản trị thông minh và môi trường thông minh. Ủy ban Thành phố thông minh quốc gia Thái Lan cho biết, 10 khu vực ở 7 tỉnh của nước này đã bắt đầu quá trình chuyển đổi, gồm: Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen, Bangkok, Chon Buri, Rayong và Chachoengsao. Hội thảo về ASCN do Thái Lan tổ chức vào ngày 6 và 7-6 tới sẽ giới thiệu những thành phố thông minh nhất từ 26 thành phố trong khối ASEAN. Đồng thời, nước này sẽ đề xuất một tiêu chí và quy trình đánh giá các thành phố thông minh của các nước trong khối ASEAN.