Bất lực với tin nhắn rác đầu số +8412…

Sau thời gian im ắng, nay tin nhắn rác bùng phát trở lại. Tin nhắn rác nhiều nhất trong thời gian gần đây với nội dung buôn bán nhà đất, mua bán sim và đặc biệt là các tin nhắn rác dạng mời nhận quà. Đáng nói, xuất phát của các tin nhắn rác trong thời gian gần đây đều từ đầu số +8412… với mức độ dày đặc và bao phủ rộng.
Bất lực với tin nhắn rác đầu số +8412…

Sau thời gian im ắng, nay tin nhắn rác bùng phát trở lại. Tin nhắn rác nhiều nhất trong thời gian gần đây với nội dung buôn bán nhà đất, mua bán sim và đặc biệt là các tin nhắn rác dạng mời nhận quà. Đáng nói, xuất phát của các tin nhắn rác trong thời gian gần đây đều từ đầu số +8412… với mức độ dày đặc và bao phủ rộng.

Tin nhắn rác đầu số +8412... đang “hành hạ” người dùng di động. Ảnh: TẤN BA

Tin nhắn rác từ sim rác

Không khó để phân biệt, hiện hầu như các tin nhắn rác trên đều xuất phát từ đầu số +8412… Đây là các đầu số sim rác. Để làm việc này, các đối tượng chỉ cần mua sim rác về gắn vào bộ thiết bị phát tán SMS và lập trình gửi đi. Thời gian gần đây, người dùng di động nhận được nhiều tin nhắn rác này, đa phần với nội dung chào mời mua căn hộ, dự án nhà đất, cho vay… Tin nhắn này đã làm phiền rất nhiều người sử dụng di động. Trên các tin nhắn rác này đều để lại số di động của nhân viên giao dịch để liên hệ. Đa phần số điện thoại để lại trên tin nhắn này là số thực, người thực, việc thực. 

Một hiện tượng tin nhắn rác khác xuất hiện gần đây cũng làm phiền không kém nhiều người có cùng xuất phát từ đầu số +8412… nhưng với nội dung “có người thầm thương bạn gởi tặng món quà bất ngờ, gọi lại…”. Hay “một bất ngờ may mắn dành cho bạn…, gọi lại để nhận và nghe lời thoại…” lại “dụ” người dùng gọi lại vào tổng đài 1900… Đây là những tin nhắn gây mất cước điện thoại nếu người dùng gọi vào tổng đài theo mời chào của nội dung tin nhắn. Với dạng tin nhắn này, tổng đài thuộc về các nhà mạng di động và cũng có tổng đài của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua Internet. Ở đây, nhà mạng di động hay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua Internet sẽ ăn chia với đối tượng phát tán tin nhắn rác nếu người dùng di động gọi vào tổng đài trong tin nhắn. Một số tin nhắn lại đề nghị người dùng nhắn tin vào các số 6757, 7775, 7707 để được hướng dẫn ăn lô đề…

Theo Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, tất cả những hành vi này nhằm lừa đảo người dùng di động gọi lại vào đầu số 1900xxxx, hoặc nhắn tin vào các đầu số để chiếm đoạt cước. Các cuộc gọi này thường có block 1 phút, cước gọi có thể phát sinh lên đến 10.000 - 15.000 đồng/phút. Chỉ cần người dùng di động bấm máy gọi vào các đầu số này là đã bị trừ tiền tới 15.000 đồng. Mỗi một tin nhắn tới các đầu số này thuê bao cũng có thể bị trừ tiền 3.000 - 15.000 đồng. Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2014, các cơ quan chức năng đã  thanh kiểm tra và chống hành vi phát tán tin nhắn rác. Tính đến tháng 11-2014, qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung về hành vi phát tán tin nhắn rác với tổng số tiền phạt là 1,375 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10-2014, tổng số tiền xử phạt lên đến 1,185 tỷ đồng.

Nhà mạng đã nỗ lực?

Đại diện mạng MobiFone cho biết, thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, MobiFone triển khai giải pháp chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài; lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ các số thuê bao gửi tin với tần suất cao trước khi tin được gửi tới khách hàng; phát hiện, khóa các thuê bao phát tán tin nhắn rác, tin nhắn phản cảm; rà soát các hình thức nhắn tin với nội dung phản cảm để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật; tích cực kiểm tra việc thực hiện nhắn tin của các CP (đối tác cung cấp dịch vụ nội dung) và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

 

* Theo Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chủ yếu vi phạm trong số 4 hành vi sau: Gửi, phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ trên đầu số cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số khi cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; không cung cấp công khai thông tin về giá cước trước khi tính cước người dùng gọi điện đến tổng đài 1900xxxx (cung cấp các dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại).

 

Trong khi đó, đại diện mạng VinaPhone cho biết, thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin - Truyền thông ngay từ đầu năm 2014, VinaPhone đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý tin nhắn rác, bao gồm các biện pháp về mặt kỹ thuật và hành chính. Theo đại diện VinaPhone, do các đối tượng phát tán tin nhắn rác từ thuê bao di động đến thuê bao di động (tin nhắn P2P) nên các nhà mạng rất khó kiểm soát. Tuy nhiên ngay khi phát hiện các thuê bao thực hiện hành vi đó, hoặc các đầu số tổng đài nhắn tin có liên quan, VinaPhone đều cương quyết khóa thuê bao và số tổng đài đó. Từ đầu năm đến nay, VinaPhone đã khóa gần gần 50 tổng đài 1900 và gần 100.000 thuê bao vì hành vi phát tán tin nhắn rác.

Còn đại diện Viettel cho biết: Để ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, Viettel đã triển khai giải pháp tường lửa chuyên dụng cho tổng đài SMSC từ tháng 10-2014. Song song với giải pháp kỹ thuật, Viettel cũng nghiên cứu các hành vi, đầu số thường xuyên phát tán tin nhắn rác để nâng cao hiệu quả ngăn chặn. Ngay sau khi triển khai giải pháp tường lửa chuyên dụng cho tổng đài SMSC, trong 1 tháng, hệ thống này đã phát hiện và ngăn chặn, khóa thành công 63.799 thuê bao thực hiện tin nhắn rác, tăng gấp 4 lần so với tháng 9-2014. Số liệu thống kê của Viettel đầu tháng 11 cho biết, lượng khách hàng phản hồi về tin nhắn rác đã giảm 50% so với trước khi thực hiện giải pháp tường lửa chuyên dụng.

Mặc dù các nhà mạng đã có những nỗ lực trong chặn tin nhắn rác trong thời gian qua, nhưng với thực tế hiện nay, các nhà mạng cần thêm biện pháp quản lý sim rác đầu số +8412… vốn đang gây nhiều bức bối cho người dùng, nhất là người dùng di động tại TPHCM. Đặc biệt, tin nhắn rác từ đầu số này gửi đến các thuê bao không cần biết người dùng đang sử dụng mạng của VinaPhone, MobiFone hay Viettel… nên cũng rất cần 3 nhà mạng lớn nhất này hợp tác với nhau. Mặt khác, nhà mạng cũng nên xem xét xử lý các thuê bao “người thực, việc thực” có trong tin nhắn rác (vốn để liên hệ lại) với nội dung quảng cáo dự án, bán sim điện thoại, mời chào căn hộ… cũng như “tổng đài” 1900… chuyên “dụ” người dùng gọi lại để “nhận quà” bùng phát hiện nay.

BÁ TÂN - TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục