Bát nháo thị trường mắt kính

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng mắt kính ở TPHCM đều treo bảng “Giảm 50% so với giá thị trường”, “Ưu đãi cho học sinh, sinh viên”… Tuy nhiên, giá bán và chất lượng gọng kính giữa các nơi đều rất khác nhau.
Bát nháo thị trường mắt kính

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng mắt kính ở TPHCM đều treo bảng “Giảm 50% so với giá thị trường”, “Ưu đãi cho học sinh, sinh viên”… Tuy nhiên, giá bán và chất lượng gọng kính giữa các nơi đều rất khác nhau.

Đo thị lực: Mỗi nơi một kiểu

Chị Tuyết Mai, nhân viên một công ty quảng cáo trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) nói: “Tôi đưa con đi đo mắt ở một cửa hàng mắt kính trên đường Lý Thường Kiệt, quận 5. Kết quả: mắt trái con tôi cận 3,5 độ, mắt phải loạn 0,75 độ. Nghi ngờ kết quả không chính xác, tôi đưa con đến một tiệm kính khác trên đường Hai Bà Trưng để kiểm tra lại. Thật bất ngờ, kết quả đo mắt lần sau khác hẳn, mắt trái cháu chỉ cận 2,25 độ, mắt phải hoàn toàn bình thường”.

Các cửa hàng thường treo bảng “Giảm 50% so với giá thị trường” nhưng “giá thị trường” mỗi nơi một kiểu. Ảnh: THANH THU

Các cửa hàng thường treo bảng “Giảm 50% so với giá thị trường” nhưng “giá thị trường” mỗi nơi một kiểu. Ảnh: THANH THU

Trường hợp của con chị Mai không phải là cá biệt, sinh viên Hoàng Lan, khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM chia sẻ thêm: “Em đã đi đo mắt ở nhiều cửa hàng, kết quả chẳng nơi nào giống nơi nào. Nhẹ thì độ cận lệch nhau 0,25-0,5 độ, nặng hơn có thể lên đến 2-3 độ. Chưa kể có nơi đo mắt miễn phí, nơi tính phí 10.000-15.000 đồng/lần”. Hầu hết các cửa hàng mắt kính đều giới thiệu có “bác sĩ chuyên khoa mắt” của các bệnh viện, song khi được hỏi cụ thể ở bệnh viện nào thì hầu hết đều không trả lời được.

Theo bác sĩ Đinh Trung Nghĩa, phẫu thuật viên Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM, kết quả đo mắt phụ thuộc vào hai yếu tố: thiết bị đo và trình độ chuyên môn của người khám. Trong đó, yếu tố con người giữ vai trò quyết định. Thị trường máy điện tử đo mắt hiện nay có rất nhiều chủng loại, tuy nhiên, máy dù tốt cũng chỉ cho kết quả đo mang tính chất tham khảo.

Chuyên viên khúc xạ của một cửa hàng mắt kính trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) cho biết: “Khi sử dụng máy đo mắt, chuyên viên phải bấm máy 2-3 lần. Kết quả sau cùng là độ trung bình cộng giữa các lần bấm máy, do đó độ chính xác chỉ tương đối”. Song tại không ít cửa hàng mắt kính hiện nay, máy đo mắt được xem như thiết bị toàn năng, kết quả đo khám phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị.

 Ngoài ra, theo quy định của Sở Y tế, người kinh doanh dịch vụ kính thuốc phải có bằng y tế từ trung cấp trở lên và ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong các cơ sở chính quy về chuyên khoa mắt. Thế nhưng trong thực tế, nhiều sinh viên cho biết họ được thuê làm chuyên viên khúc xạ, chỉ với một nhiệm vụ duy nhất là… ngồi bấm máy.

Mua kính: Phải trả giá!

Số liệu thống kê từ hội thảo “Gìn giữ đôi mắt” do Hội Phụ nữ TPHCM tổ chức vào cuối năm 2009 cho thấy, có đến 90% kính hàng hiệu trên thị trường Việt Nam hiện nay là hàng nhái, hàng giả, có nguồn gốc từ Trung Quốc… Chủ một cửa hàng mắt kính trên đường Trương Định, gần giao lộ Trương Định - Lý Chính Thắng (quận 3) cho biết: “Mắt kính “giả” trên thị trường hiện nay có hai loại: hàng nhái rẻ tiền và hàng nhái “cao cấp”. Nhiều cửa tiệm treo bảng “Giảm 50%-70% so với giá thị trường” nhưng “giá thị trường” giữa các nơi lại chênh lệch khá lớn (?!).

Chị Minh Thu, nhà ở đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) nói: “Tôi mới mua gọng kính hiệu Shiseido tại một cửa hàng mắt kính trên đường Trương Định. Thoạt đầu, người bán nói chắc nịch 200.000 đồng, hàng cao cấp của Hồng Công. Tuy nhiên sau một trả giá, tôi chỉ mua 75.000 đồng, tức chưa bằng một nửa so với giá ban đầu”.

Điều đáng nói là nhiều sản phẩm của các nhãn hiệu mắt kính nổi tiếng trên thế giới như D&G, Gucci, Levis, Dior, Vogue, Lacoste… trên thị trường hiện nay được bán với giá chỉ 300.000-1 triệu đồng/kính, trong khi hàng chính hãng có giá không dưới 2 triệu đồng. Nhưng sau một thời gian ngắn sử dụng, tròng kính bị trầy xước, lớp sơn trên gọng bong tróc, thậm chí ra ten màu xanh, dính vào da mặt người sử dụng. Nếu đeo lâu ngày, người sử dụng có thể bị chóng mặt, buồn nôn, thậm chí để lại nhiều hậu quả nặng nề cho mắt. Nguy hiểm là thế nhưng đáng tiếc hiện nay thị trường này đang bị buông lỏng, mọi hậu quả người tiêu dùng đều phải gánh chịu.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục