Quán cóc bủa vây
Ghi nhận của PV Báo SGGP, tại khu vực cổng chính của BV Chợ Rẫy trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường 12, quận 5), thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Theo quan sát, vỉa hè đã được BV trưng dụng làm bãi giữ xe máy nên lề đường bị thu hẹp lại. Taxi đậu dưới lòng đường chờ khách, khiến người đi bộ, xe máy không còn lối đi. Mỗi khi có xe buýt hay taxi quay đầu là kẹt cứng một dãy dài.
Chiều cuối tuần, chỉ trong một giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi thấy taxi đón, trả khách tùy tiện, xe ôm cả truyền thống lẫn công nghệ đứng tràn lan để bắt khách. Không những vậy, khu vực cổng BV cũng bị hàng rong, quán cóc “chiếm dụng” buôn bán, ăn uống tấp nập, gây mất an toàn giao thông, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Tương tự, trước cổng BV phụ sản Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), trong lúc lưu lượng xe cộ đi lại rất đông thì các xe bán bắp luộc, bán đồ ăn vặt, xe ôm lấn ra lòng đường. Cứ khoảng 5 phút, taxi lại đỗ xịch trước khu vực này để trả khách gây ách tắc lưu thông, nếu gặp lúc xe buýt vừa tới là giao thông cả khu vực ngã tư Cống Quỳnh-Nguyễn Thị Minh Khai hỗn loạn. Chưa hết, lực lượng cò mồi chèo kéo bệnh nhân trước cổng BV cũng thêm phần bát nháo. “Em đi khám thai con đầu lòng, thế mà mấy người ở ngoài cứ kè kè hỏi có muốn phá thai không, rất nhanh không cần giấy tờ, chứng nhận gì cả”, chị L.T.H. (ngụ huyện Hóc Môn) bức xúc.
Qua ghi nhận của PV, tình trạng tương tự BV Chợ Rẫy, Từ Dũ cũng diễn ra hàng ngày trước các BV Ung Bướu, BV Đại học Y Dược… Tuy nhiên, đã nhiều năm qua chính quyền các địa phương, sở ngành liên quan vẫn chưa có các biện pháp triệt để, chỉ tuần tra, kiểm soát theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, vắng bóng lực lượng chức năng thì mọi chuyện lại trở về như cũ.
Trách nhiệm của chính quyền
Không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tình trạng bát nháo trước cổng các BV còn ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, điều trị và phòng chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành, Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân Gia Định lo ngại bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dùng thức ăn, đồ uống không đảm bảo an toàn thực phẩm trước cổng BV, trong khi bệnh nhân rất cần nhu cầu dinh dưỡng đảm bảo cho sức khỏe.
Thực tế, không chỉ y bác sĩ, ngay cả người nhà bệnh nhân, người dân lưu thông qua lại khó khăn trước các BV cũng bức xúc nhưng chính quyền địa phương gần như… bất lực. Trung tá Huỳnh Hoàng Diệu, Trưởng Công an phường 12, quận 5, cho biết: “Thực trạng ô tô đậu, đỗ lộn xộn trước BV Chợ Rẫy, tình trạng bán hàng, thức ăn trước cổng BV là có, người đi đường cũng đã thấy. Tuy nhiên, góc độ của công an phường là chỉ tham gia phối hợp với các cấp, ngành có liên quan, chứ không xử phạt hành vi vi phạm được. Để xử lý những tồn tại trên, thẩm quyền thuộc về UBND quận 5 và UBND phường 12”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho hay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là khu vực trước cổng các BV là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Lẽ ra cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát thì một số quận, huyện lại không có phương án quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường. Thậm chí trong thời gian qua chưa có người đứng đầu địa phương nào bị xử lý trách nhiệm vì để lòng, lề đường bị chiếm dụng. Đáng nói là công tác xử lý vi phạm ở cấp phường, xã chưa kiên quyết, khiến người dân nghi ngờ có sự bao che sai phạm từ chính quyền địa phương.
“Để cải thiện tình hình, cần phải xác định chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM trong việc đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn do mình quản lý. Thành phố cần xem xét xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo quận, huyện không hoàn thành nhiệm vụ, để trật tự vỉa hè, lòng đường diễn biến phức tạp”, ông Nguyễn Ngọc Tường nhấn mạnh.