Rất gần với chiến thắng
Theo hãng tin Fox News và kênh CNN, ông Joe Biden đã vượt qua đối thủ là Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang chiến trường Georgia. Với 99% số phiếu được kiểm tại bang Georgia, ông Joe Biden giành được 2.450.152 phiếu (tương đương 49,4%). Trong khi đó, ông Donald Trump giành được 2.448.565 phiếu (tương đương 49,4%). Bang Georgia (16 phiếu đại cử tri) vốn được coi là một cứ địa quan trọng hậu thuẫn đảng Cộng hòa nhiều năm qua. Kể từ năm 1992 tới nay, các cử tri ở bang này chưa từng ủng hộ một ứng cử viên nào của đảng Dân chủ.
Tại bang Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), với 98% số phiếu được kiểm, ông Joe Biden nhận được 3.295.327 phiếu (tương đương 49,5%). Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump giành được 3.289.731 phiếu (tương đương 49,4%). Thêm một chiến thắng tại Georgia hoặc Pennsylvania dành cho Joe Biden, cánh cửa Nhà Trắng sẽ đóng sập với ông Donald Trump bởi Tổng thống Mỹ bắt buộc phải có được chiến thắng tại bang Georgia và bang Pennsylvania, đồng thời vượt qua đối thủ tại bang Nevada hoặc bang Arizona.
Tờ New York Times và hãng Reuters cùng nhận định, với những kết quả có lợi như trên, chiến thắng đang ở rất gần với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Tiếp tục kiện
Trong lúc các thông tin có lợi cho ông Joe Biden xuất hiện dồn dập, cùng ngày, ban tranh cử của Tổng thống Mỹ tiếp tục đệ đơn kiện bang Nevada, bất chấp việc bị các thẩm phán bác bỏ đơn kiện ở bang Michigan, Georgia và mới nhất là TP Philadelphia của bang Pennsylvania. Đơn kiện của phía ông Donald Trump cáo buộc: cuộc bầu cử ở hạt Clark, bang Nevada “bị cản trở” bởi nhiều vấn đề bất thường như thủ tục xác thực phiếu bầu gửi qua bưu điện lỏng lẻo và hơn 3.000 trường hợp không đủ điều kiện bỏ phiếu.
Ông Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc có gian lận bầu cử và bất thường ở những bang mà đối thủ Joe Biden dẫn trước hoặc vị trí dẫn đầu của Tổng thống Mỹ bị thu hẹp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cáo buộc của Tổng thống Mỹ đều bị cho là vô căn cứ và những đơn kiện của ban tranh cử ứng viên đảng Cộng hòa đều bị bác bỏ. Đơn cử, thẩm phán Michigan Cynthia Stephens đã bác bỏ một vụ kiện của ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump về việc liệu đối thủ Joe Biden có tiếp cận với việc xử lý các phiếu bầu vắng mặt hay không. Thẩm phán Cynthia Stephens tuyên bố, bị đơn - bà Jocelyn Benson, giới chức phụ trách bầu cử tiểu bang - bị kiện là không đúng vì bà không kiểm soát được việc đếm các lá phiếu địa phương ngay cả khi bà là người đứng đầu cơ quan bầu cử tiểu bang. Bà Benson, một đảng viên Dân chủ, đã cho phép đếm các phiếu vắng mặt mà không có quan sát viên của 2 đảng cũng như các đối thủ. Do đó, bà bị cáo buộc phá hoại “quyền hiến định của tất cả cử tri Michigan… là tham gia các cuộc bầu cử công bằng và hợp pháp.”
Phản ứng trước sự nóng giận của đảng Cộng hòa, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cho rằng: “Nền dân chủ đôi khi lộn xộn. Nó đôi khi cũng đòi hỏi một chút kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn đó giờ đã được đền đáp sau hơn 240 năm, một hệ thống quản trị khiến cả thế giới ghen tị”. Theo AP, thông qua việc kêu gọi người dân Mỹ bình tĩnh, giảm căng thẳng chính trị, ông Biden đã khéo léo xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo “truyền thống hơn”.
Trong bối cảnh nhiều khả năng chiến thắng gọi tên ông Joe Biden, ban tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ có thể sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến pháp lý với hy vọng đem lại lợi thế cho ông Donald Trump. Điều này khiến giới quan sát quan ngại nước Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc với những bất ổn khó lường do sự phân cực giữa hai đảng phái, bên cạnh nỗi lo đại dịch cùng một nền kinh tế đang giảm sút. |
Hậu phương vững chắc của 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ
Dù không trực tiếp tham gia vào các cuộc vận động trước, trong và sau cuộc bầu cử nước Mỹ 2020, nhưng vai trò của phu nhân các ứng cử viên Tổng thống vẫn luôn hiện hữu và thu hút sự chú ý của dư luận. Bà Jill Biden (phu nhân của ứng viên Joe Biden), người lớn lên ở Pennsylvania, đã dạy tiếng Anh cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong suốt cuộc đời của mình. Trong khi đó, bà Melania Trump (phu nhân của đương kim Tổng thống Donald Trump), người sinh ra ở Nam Tư (nay là Slovenia) là một cựu người mẫu lại rất kín tiếng.
Theo Washington Post, bà Melania Trump đã làm tốt việc giảm nhẹ những mặt tiêu cực của Tổng thống Donald Trump, trong khi bà Jill Biden nhấn mạnh những mặt tốt của ông Joe Biden. Đệ nhất phu nhân Melania có biệt tài làm giảm nhiệt độ các bài hùng biện nóng nảy của ông Donald Trump bằng phong thái lạnh lùng và sự im lặng nhẹ nhàng. Còn bà Jill Biden thu hút sự quan tâm của mọi người vào phần diễn thuyết của chồng bằng cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với người nghe.
Nước Mỹ nhìn thấy đệ nhất phu nhân vào những giờ trước rạng sáng ngày 4-11, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến thắng một cách vội vã trong chiến dịch tái tranh cử. Đệ nhất phu nhân Melania Trump mặc một bộ suit doanh nhân với áo sơ mi trắng và đôi giày cao gót, tươi cười bước vào phòng. Khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu lời tuyên bố của mình, khuôn mặt của bà trở nên nghiêm túc hơn và không thay đổi khi ông Donald Trump tiếp tục tố về gian lận bỏ phiếu. Khi ông kết thúc, bà Melania nở nụ cười và vỗ tay tán thưởng.
Về phần mình, bà Jill Biden đã sát cánh cùng chồng khi ông nói chuyện với những người ủng hộ ngay sau cuộc bỏ phiếu, một lần nữa kêu gọi họ hãy kiên nhẫn vì tất cả các phiếu bầu đã được kiểm. Trong khi ông Joe Biden đang nói lời cảm ơn thì bà Jill Biden đề nghị chồng thêm thống đốc của Delaware vào danh sách tri ân của mình. Vì vậy, ông tạm dừng và yêu cầu bà lặp lại ghi chú của mình. Điều này đáng chú ý vì nó gián tiếp cho thấy bà Jill không phải đứng trên sân khấu như một người ủng hộ thầm lặng hay mưu cầu lợi ích riêng. Cựu phó tổng thống có thể ngỏ lời cảm ơn mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào, nhưng lúc ấy bà Jill Biden đang kiểm tra danh sách những cái tên và lập tức lên tiếng đề nghị. Bà Jill đã sát cánh với chồng, hỗ trợ ông Joe Biden và đảm bảo rằng ông được tất cả mọi người yêu mến.
VIỆT ANH
----------------------------------------
Nghi vấn bút mực dùng cho phiếu bầu tại Arizona
Theo hãng tin New York Post, ngày 6-11, cảnh sát TP Philadelphia, bang Pennsylvania cho biết, đang điều tra một âm mưu tấn công nhằm vào Trung tâm hội nghị Pennsylvania, nơi đang tiến hành kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11 vừa qua. Ngay sau khi nhận được tin mật báo cho biết một ô tô Hummer chở người có vũ trang đi từ Virginia có kế hoạch tấn công trung tâm trên, cảnh sát Philadelphia đã bắt giữ một đối tượng. Trong quá trình lục soát, cảnh sát phát hiện vũ khí trên xe Hummer. Không có thông tin thương vong trong vụ việc.
Liên quan đến phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ, CNN đưa tin, bút mực Sharpie đang trở thành tâm điểm tại bang Arizona khi xuất hiện những nghi vấn đăng tải trên mạng cho rằng việc sử dụng chúng đã gây ảnh hưởng đến những lá phiếu. Theo cáo buộc trên, các nhân viên bầu cử đã yêu cầu các cử tri phải sử dụng bút Sharpie chuẩn bị sẵn, nhưng loại bút này rất dễ bị lem, khiến máy lập bảng tự động hủy phiếu bầu. Tuy nhiên, giới chức bang Arizona khẳng định, khi máy lập bảng không thể đọc được phiếu bầu, hội đồng kiểm duyệt sẽ trực tiếp xem xét lại những lá phiếu này. Những lá phiếu khó đọc sẽ được sao chép sang bản đánh máy. Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đã kêu gọi mọi người ngừng phát tán thông tin sai lệch liên quan đến bút Sharpie, với hashtag “#SharpieGate”.
PHƯƠNG NAM
----------------------------------------
“Khủng hoảng kép” hậu bầu cử
Ngày 6-11, một số người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, khiến dư luận lo ngại nhiều cuộc biểu tình lớn đang dự kiến sẽ diễn ra có nguy cơ biến thành bạo loạn. Những người ủng hộ ứng cử viên Joe Biden xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Đếm từng phiếu bầu” với niềm tin rằng một cuộc kiểm phiếu đầy đủ sẽ đem lại chiến thắng cho ông này. Ngược lại, những người ủng hộ ông Donald Trump bày tỏ phản đối khi kêu gọi “Bảo vệ lá phiếu” nhằm ủng hộ nỗ lực của ông nhằm loại bỏ một số phiếu bầu, trong đó có cả những phiếu bầu qua đường bưu điện. Theo Wall Street Journal, đã có ít nhất 70 người biểu tình bạo động bị bắt tại New York. Còn theo tờ New York Post, đã có hơn 600 người bị bắt ở bang Minnesota đêm 4-11.
Bối cảnh “hậu bầu cử” đang ngày càng phức tạp hơn bởi nước Mỹ tiếp tục là điểm nóng của đại dịch Covid-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 6-11, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19, lần lượt là 9.919.522 ca và 240.953 trường hợp. Thống kê của Đại học John Hopkins cho thấy, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số người nhiễm mới virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy với 123.085 ca và trở thành quốc gia đầu tiên có hơn 100.000 ca mắc trong một ngày, trong khi số ca tử vong là 1.226 trường hợp. Giới chức y tế nước này cảnh báo, nếu các cuộc biểu tình liên quan tới bầu cử vẫn tiếp diễn thì nước Mỹ sẽ sớm tiến đến mốc đáng buồn 10 triệu ca mắc Covid-19.
HẠNH CHI