Gấp rút tạo thế
Truyền thông Mỹ cho biết, trong các cuộc trò chuyện với một số đồng minh cấp cao của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump từng nói bà Coney Barrett là người được đề cử. Trong khi đó, mặc dù không nêu tên đích danh người sẽ được bổ nhiệm vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao, nhưng ông Donald Trump cho biết, ông rất ấn tượng với các thông tin về Thẩm phán Amy Coney Barrett.
Nếu được Thượng viện thông qua, Thẩm phán Amy Coney Barrett của Tòa phúc thẩm lưu động số 7 có trụ sở ở thành phố Chicago, bang Illinois, sẽ trở thành thẩm phán nữ thứ ba tại Tòa án tối cao Mỹ, bên cạnh 2 nữ thẩm phán Sonia Sotomayor và Elena Kagan do cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama đề cử. Bà Barrett, 48 tuổi, từng là giáo sư luật tại Đại học danh tiếng Notre Dame ở bang Indiana. Năm 2017, bà Barrett được ông Donald Trump bổ nhiệm một vị trí trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7. Bà Barrett là nhân vật được lòng giới bảo thủ và được đánh giá là sự kết hợp hoàn hảo để trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao với những quan điểm sắc bén, và có thể là “đối trọng” với các nữ thẩm phán khác trong Tòa án Tối cao hiện nay. Nếu được bổ nhiệm trước cuộc bầu cử tháng 11, bà Barrett sẽ là thẩm phán bảo thủ thứ ba được ông Donald Trump bổ nhiệm chỉ trong một nhiệm kỳ tổng thống.
Việc gấp rút bổ nhiệm bà Barrett vào vị trí “trọn đời” này có thể đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ của phe bảo thủ trong Tòa án Tối cao trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, việc này cũng đặt đảng Cộng hòa đứng trước nguy cơ bị cử tri phản đối. Phe Cộng hòa tuyên bố cử tri cần có tiếng nói trong lựa chọn thẩm phán mới. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, cử tri tin rằng ghế thẩm phán còn bỏ trống nên được lựa chọn bởi người chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới. Điều này dẫn tới nguy cơ cử tri sẽ dùng lá phiếu để trừng phạt phe Cộng hòa, khiến đảng này không chỉ thua trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mà còn đẩy đa số tại Thượng viện về tay phe Dân chủ.
Chuẩn bị đối đầu
Hiện cả ông Donald Trump và ông Joe Biden (ứng viên đảng Dân chủ) đều ráo riết chuẩn bị cho cuộc “so găng” đầu tiên vào ngày 29-9 tới. Ủy ban Tranh luận bầu cử Mỹ cho biết, hai ứng viên sẽ trình bày quan điểm và lập luận của mình về những vấn đề then chốt mà đất nước đang đối mặt như: Tòa án Tối cao, đại dịch Covid-19, nền kinh tế, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử… Nhà báo Chris Wallace của Fox News giữ vai trò điều phối, và chủ đề tranh luận có thể thay đổi dựa trên diễn tiến các sự kiện. Hai vòng tranh luận tiếp theo sẽ lần lượt diễn ra tại Miami ngày 15-10 và Nashville ngày 22-10.
Theo hãng tin CNN, cả hai ứng viên đang tập trung cho cuộc đối đầu theo cách của riêng mình. Tổng thống Donald Trump tiết lộ, ông chuẩn bị cho các cuộc tranh luận hàng ngày bằng cách “làm những gì tôi đang làm”. Còn ông Biden khẳng định mong chờ cuộc tranh luận với ông Donald Trump và sẽ “buộc ông ta phải chịu trách nhiệm”.
Theo các cuộc khảo sát, lợi thế của ông Joe Biden nghiêng về các vấn đề về đại dịch Covid-19 và phân biệt chủng tộc. Dù trận “so găng” chưa diễn ra, nhưng ông Joe Biden đã đẩy mạnh chiến dịch công kích nhằm vào cách thức Tổng thống đương nhiệm xử lý đại dịch Covid-19 khiến hơn 200.000 người Mỹ tử vong.
Còn điểm mạnh của ông Donald Trump nằm ở chủ đề kinh tế khi ông vẫn giành được sự ủng hộ lớn hơn so với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden về việc cử tri nghĩ ai sẽ xử lý nền kinh tế tốt hơn. Một cuộc thăm dò của CNN được công bố vào đầu tháng này cho thấy, ông Donald Trump nhận được 49% số phiếu ủng hộ của người Mỹ về các vấn đề kinh tế, cao hơn tỷ lệ 48% dành cho ông Biden. Một tháng trước đó, tỷ lệ ủng hộ về vấn đề trên của ông Donald Trump ở mức 53% so với 45% của ông Joe Biden.