Ngày 7-10 (giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu đã mở cửa đón gần 19 triệu cử tri Venezuela đi bầu tổng thống. Ứng cử viên nào giành chiến thắng lần này sẽ trở thành vị tổng thống đầu tiên của Venezuela có nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Mọi sự tập trung đều hướng về 2 ứng cử viên nặng ký: đương kim Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và chính trị gia trẻ tuổi Henrique Capriles.
Đáp ứng các tiêu chuẩn
6 giờ sáng 7-10 theo giờ địa phương (17 giờ 30 phút, giờ Việt Nam), cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela đã chính thức bắt đầu và dự kiến sẽ đóng cửa vào lúc 18 giờ (giờ địa phương). Gần 40.000 thùng phiếu được triển khai tại khoảng 13.810 điểm bầu cử trên khắp lãnh thổ Venezuela. Ủy ban bầu cử Venezuela (CNE) cho biết sẽ bắt đầu công bố những kết quả sơ bộ vào lúc 21 giờ tối 7-10 (8 giờ 30 phút sáng 8-10, giờ Việt Nam).
CNE cũng khẳng định cuộc bầu cử sẽ được tiến hành rõ ràng, minh bạch dưới sự giám sát của các quan sát viên trong nước cũng như quốc tế. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bất chấp những nỗ lực vận động của ứng cử viên đối lập Capriles, ông Chavez vẫn chiếm ưu thế với cách biệt từ 2% - 15%. Theo đó, 57,5% người được hỏi đã khẳng định sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Chavez, trong khi chỉ có 42,5% ủng hộ ứng cử viên Capriles.
Để chuẩn bị bầu cử, an ninh đã được tăng cường tối đa ở quốc gia Nam Mỹ này. Tất cả các cửa khẩu biên giới đóng cửa trong ngày bầu cử. Khoảng 139.000 binh sĩ đã được triển khai để đảm bảo an ninh trong ngày 7-10. Ngoài ra, Chính phủ Venezuela cũng ra lệnh cấm những người không có nhiệm vụ mang theo vũ khí và cấm bán các loại đồ uống có cồn tại các địa điểm công cộng.
Trong khi đó, một quan chức giám sát bầu cử thuộc Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) khẳng định Venezuela đáp ứng đầy đủ 2 tiêu chuẩn cho một cuộc bầu cử minh bạch. Đó là kết quả bỏ phiếu tin cậy và an ninh được đảm bảo. Venezuela đã đưa vào sử dụng các máy bỏ phiếu điện tử, theo Trung tâm Carter, từng là một tổ chức giám sát bầu cử có trụ sở tại Mỹ, sẽ giữ được bí mật lá phiếu cử tri. Để chứng minh cuộc bỏ phiếu hết sức công bằng và dân chủ, Tổng thống Chavez và ứng viên Capriles còn ký một văn kiện, trong đó cam kết công nhận kết quả bầu cử.
Tác động đến thế giới
Các nhà phân tích cho rằng bất luận nhà lãnh đạo có tính cách mạnh mẽ như Hugo Chavez hay ứng viên đối lập Henrique Capriles chiến thắng, kết quả bầu cử Venezuala đều có thể tác động đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước Mỹ Latinh. Chuyên gia bình luận chính trị Juan Francisco Contreras nhận định, các nước Mỹ Latinh đặc biệt quan tâm tới kết quả bầu cử tại Venezuela bởi tầm ảnh hưởng lớn của Tổng thống Chavez đối với khu vực và cũng bởi các mối liên minh về ý thức hệ gắn bó quốc gia Nam Mỹ này với các nước được hưởng lợi trong quan hệ với họ.
Với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Tổng thống Chavez đã tài trợ nhiều dự án ở các nước thuộc khối Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) và Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), đồng thời cung cấp hàng triệu thùng dầu giá ưu đãi đến các nước vùng Caribbean. Mặt khác, các nước Mỹ Latinh chiếm khoảng 1/3 khối lượng nhập khẩu dầu của Venezuela, trong đó chủ yếu từ Brazil và Colombia. Ngoài ra, rất nhiều công ty trong khu vực đã đổ tiền đầu tư vào quốc gia dầu mỏ này.
Giáo sư Elsa Cardoso lưu ý rằng cương lĩnh của ông Chavez cho thấy sẽ dành ưu tiên các nước trong nhóm BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong khi đó, tờ Guardian dẫn lời ông Capriles tuyên bố, nếu ông đắc cử tổng thống, sẽ có thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Venezuela và xem xét lại các thỏa thuận hợp tác dầu khí quan trọng. Theo đó, ông sẽ ngừng mua vũ khí của Nga, xem xét lại quan hệ với Iran cũng như rà soát lại các dự án khai thác một trong những nơi giàu tài nguyên dầu khí nhất thế giới ở vành đai Orinoco của Venezuela. Ông Capriles sẽ không tăng cường quan hệ với Syria hay Belarus.
Tuy nhiên, ông Capriles đã tuyên bố, sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc.
Đỗ Văn (tổng hợp)